Sẽ cho "tiền trảm hậu tấu"
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho hay: "Tỉnh khuyến khích đầu tư dự án, phát triển du lịch ven biển nhưng quá trình thực hiện còn nhiều điểm chưa đúng nên chủ động nhận thiếu sót". Bởi vậy, "tỉnh đang rà soát, kiểm tra toàn bộ dự án nhằm khắc phục thiếu sót để dự án được thực hiện đúng quy định pháp luật".
Như vậy, liệu có phải tỉnh Phú Yên sẽ chấp nhận cho các doanh nghiệp "trảm" rừng trước khi hoàn thiện báo cáo trình các cấp có thẩm quyền?
Trước đó, người dân đồng loạt lên tiếng rừng phòng hộ nhằm chắn cát, sóng biển xâm thực nhưng bị chặt hạ ồ ạt. Cánh rừng hàng chục hecta biến mất, chỉ còn số ít cây dương lạc lõng bên những bãi cát trắng đang được san ủi.
Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7/2008, có tổng diện tích 122 hecta, trong đó 64 hecta rừng phòng hộ ở xã An Phú. Nơi đây được quy hoạch xây dựng một khu du lịch liên hợp cao cấp, khu vui chơi, sân golf 9 lỗ,… với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng một tỷ USD.
Mới đây, tại cuộc của UBND tỉnh Phú Yên cùng các sở ngành liên quan xác định dự án còn nhiều vấn đề bất cập. Thủ tướng chưa cho chuyển đổi mục đích sử dụng; Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Phía tỉnh chưa xác định giá và các thủ tục giao đất.
Theo báo cáo từ đơn vị được chỉ định khai thác và mua số gỗ tại khu rừng phòng hộ bị quy hoạch, tới nay công ty đã đốn hạ 32 hecta rừng với khối lượng 1.700 m3 khối gỗ và nộp gần 360 triệu vào ngân sách tỉnh.
Còn rất nhiều dự án "nuốt rừng"
Theo phát hiện của báo chí, không chỉ có dự án sân golf của New City, Phú Yên còn dành hơn 1.000ha rừng cho 20 dự án đầu tư khác. Phá rừng nhiều nhất là các dự án nuôi bò, thủy điện, trường đua ngựa và nhà máy lọc dầu.
Cụ thể, ngày 21/12/2016, Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trường đua ngựa Phú Yên có vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD. Chủ đầu tư là Công ty Golden Turf Club Pty (Úc). Dự án sử dụng 82ha đất và 13ha mặt nước (biển) tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An.
Ngày 14/3/2017, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến tại cuộc họp với chủ đầu tư.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu trong tháng 3/2017 Công ty Golden Turf Club Pty phải mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Yên và chuyển 5 triệu USD chi phí giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, lập dự án và xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, ngày 28/3/2017 Công ty Golden Turf Club Pty có văn bản gửi UBND tỉnh “mặc cả” chỉ nộp trước 2 triệu USD. Sau khi tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2.000 và đo đạc, xác định lại thì công ty sẽ nộp đủ theo số liệu thực tế. Sở KH-ĐT cho biết hiện nay tỉnh đang bàn bạc, chưa quyết định có đồng ý với đề nghị của chủ đầu tư hay không.
Khu đất dự án trường đua ngựa tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An có bãi biển rất đẹp. Phía trong là rừng dương cao gần 20m. Tuy nhiên, hiện địa phương đã cho cắm mốc chuẩn bị thủ tục kiểm kê, bồi thường, thu hồi đất giao cho nhà đầu tư. Trong số 82ha có một phần đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý và cây dương, cây lâu năm của 238 hộ dân thôn Giai Sơn. Hiện diện tích rừng dương nhường chỗ cho trường đua ngựa chưa được xác định.
Một dự án phá rừng khác khiến dư luận ở tỉnh này xôn xao là của Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên. Theo phát hiện của báo chí, ngày 24/10/2016, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế ký quyết định điều chỉnh giảm 647ha đất rừng và đất lâm nghiệp tại huyện Sông Hinh để thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của công ty này (giảm diện tích rừng để làm dự án nuôi bò). Ngày 5/4/2017, ông Thế tiếp tục ký quyết định phê duyệt phương án đầu tư trồng rừng thay thế của Công ty CP chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên. Theo đó, có 383ha rừng tại tiểu khu 310 và 311 thuộc xã Sông Hinh và xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) được chuyển mục đích sang rừng sản xuất. Công ty này sẽ trồng 270ha rừng thay thế bằng cây keo hom tại huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu. Phần diện tích 113ha còn lại sẽ quy ra tiền hơn 6 tỉ đồng, nộp cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, vào ngày 19/8/2016 ông Thế còn ký quyết định phê duyệt các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải triển khai trồng rừng thay thế.
Theo quyết định này, có tới 21 dự án “sử dụng” 410ha rừng phải có nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với số tiền hơn 22 tỉ đồng. Trong đó có 11 dự án du lịch.
Những dự án nuốt rừng nhiều nhất là Nhà máy lọc dầu Vũng Rô hơn 192ha, khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên của New City 68,7ha, khu du lịch sinh thái Sao Việt hơn 19ha, khu du lịch Bãi Xếp 16,5ha, làng du lịch quốc tế ven biển của Công ty Bắc Âu biệt thự và du lịch 30ha, khu resort Thuận Thảo hơn 9ha, khu nghỉ mát Long Beach 6,6ha...
Tuy nhiên đây chỉ là con số ban đầu bởi quá trình triển khai dự án thì diện tích rừng bị phá còn tiếp tục tăng. Đơn cử là dự án của New City tại xã An Phú, TP Tuy Hòa ban đầu chỉ nộp 3,7 tỉ đồng cho 68,7ha bị phá. Tuy nhiên đến nay nhà đầu tư đã nộp tiền trồng rừng thay thế 6,2 tỉ đồng, đương nhiên diện tích bị phá đã tăng rất nhiều.
Như vậy, chỉ với hơn 20 dự án đã nêu thì tỉnh Phú Yên đã hi sinh hơn 1.000ha rừng.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, từ năm 2014 đến ngày 10/4/2017, quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã thu được hơn 11 tỉ đồng của các doanh nghiệp chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế với diện tích 198ha. Trong danh sách này có 3 dự án thủy điện “nuốt” hơn 65ha rừng, 6 dự án kinh doanh làm mất 130ha rừng.
Sở NN&PTNT đã giải ngân 1,7 tỉ đồng để trồng 67ha rừng và sẽ tiếp tục giải ngân gần 2 tỉ đồng nữa để chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng mới trồng. Hiện còn tồn gần 7,4 tỉ đồng (tương đương 132ha) chưa được UBND tỉnh phê duyệt.