Góp ý cho Quảng Bình, thành viên đoàn công tác của Chính phủ cho rằng Quảng Bình có giá trị tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt. Trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam, thì tỉnh đã hội tụ ba dòng sản phẩm là du lịch biển, sinh thái hang động, văn hóa lịch sử, chỉ thiếu du lịch tham quan thành phố.
Đặc biệt trong dòng sản phẩm sinh thái hang động, Quảng Bình được ví như “Vương quốc hang động”, với hang Sơn Đoòng nổi tiếng thế giới. Đại diện Tổng cục Du lịch nhận xét khi xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia thì có hai địa phương đủ điều kiện là Quảng Bình với hang Sơn Đoòng và Quảng Ninh với vịnh Hạ Long.
Thủ tướng đặt vấn đề liệu Quảng Bình có thể tạo nên một làn gió Đại Phong mới cho du lịch Việt Nam hay không, Quảng Bình có thể là dấu ấn đầu tiên lan tỏa về hình ảnh Việt Nam, một vẻ đẹp không những bất tận mà còn huyền bí hay không, Thủ tướng cho rằng đây là sứ mệnh của Quảng Bình đối với cả nước khi tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa hội tụ ở Quảng Bình khá lớn.
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Để tạo điều kiện cho Quảng Bình phát triển du lịch, Thủ tướng đã đồng ý với tất cả các kiến nghị của tỉnh, trong đó có việc đưa 2 sân golf của Tập đoàn FLC và Tập đoàn Trường Thịnh vào quy hoạch sân golf quốc gia trong thời gian tới, đồng thời giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng quyết định về dự án xây dựng cáp treo Phong Nha - Kẻ Bàng, theo đúng nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa thế giới mà vẫn khai thác được tối đa tiềm năng du lịch. “Nếu tỉnh đạt 5 – 7 triệu khách nước ngoài thì sẽ khác rất xa”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là “dịch vụ hóa” nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng, với tam giác phát triển là kinh tế - văn hóa – môi trường.
Trên tinh thần “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, Thủ tướng đề nghị Quảng Bình cần chú trọng vấn đề liên kết vùng vì “làm du lịch thì không thể làm một mình được”. Khi phát triển du lịch, phải xây dựng cộng đồng làm du lịch thân thiện, tình cảm, vui vẻ, văn minh.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “không có ai đứng bên lề sự phát triển, không có ai ở lại phía sau”. Theo đó, Quảng Bình cần tái cơ cấu cả ba lĩnh vực tăng trưởng là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ để có hiệu quả cao hơn. Phải phát triển bền vững cả về môi trường và xã hội để người dân cùng tham gia vào quá trình phát triển.
Trong công cuộc tái cơ cấu này, Quảng Bình cần chú ý nâng cao chất lượng quy hoạch, có tầm nhìn đồng bộ, không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau, không đặt ra một chiến lược quy hoạch “quả mít” – có quá nhiều mũi nhọn, chỗ nào cũng là mũi nhọn.
Ý KIẾN CỦA BẠN
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu