Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM đã trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Xin ông vui lòng cho biết, ông nhận định như thế nào về tình hình thị trường bất động sản ở TPHCM trong thời gian qua và ở giai đoạn hiện nay?
- Nhìn tổng quát, thị trường bất động sản thời gian qua vẫn còn nằm trong tình trạng đình đốn và rất khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các Doanh nghiệp phát triển đầu tư kinh doanh BĐS, các ngân hàng và tổ chức tín dụng, người tiêu dùng là người thu nhập thấp đô thị. Đồng thời tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất và thị trường lao động.
Tuy nhiên điều đáng mừng là, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng có thể nói thị trường bất động sản ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang từng bước trên đà hồi phục, dù sự hồi phục đó là từng chút một chứ chưa phải là sự nhảy vọt.
Theo ông, sự khó khăn của thị trường BĐS là do những yếu tố nào?
- Có thể nói, thị trường BĐS giữ được sự phát triển trong thời gian qua là do phân khúc thị trường nhà ở căn hộ qui mô vừa và nhỏ có giá trên dưới 1 tỷ đồng. Phân khúc thị trường này đã giúp giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị trong khi phân khúc thị trường BĐS cao cấp , Văn phòng cho thuê và Trung tâm thương mại gặp nhiều khó khăn. Điều này xảy đến do các Doanh nghiệp đi sai đường. Mặc dù những dự án có vị trí tốt và giá thành hợp lý thì vẫn bán được chứ không phải khó khăn hoàn toàn nhưng mức lợi nhuận chỉ đạt từ 5-6% . Thậm chí có nơi bán lỗ để thu hồi nợ. Điều đáng nói là, sau khi bán xong có Doanh nghiệp không có đủ tiền để tiếp tục thực hiện dự án khác
Xin ông cho biết phân khúc nào trên thị trường đang được người tiêu dùng ưa chuộng?
- Với số lượng giao dịch gia tăng, phân khúc thị trường căn hộ qui mô vừa và nhỏ (có diện tích khoảng 70m2) và có giá hợp lý (trên dưới 15 triệu đồng) vẫn là phân khúc thị trường đang thu hút khách hàng nhiều nhất hiện nay. Theo thống kê từ của Sở xây dựng TPHCM, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã có 3.200 căn hộ được bán ra (trong đó có 1.890 căn hộ tồn kho theo báo cáo cuối năm 2012), tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm qua cũng như hiện nay. Tiêu biểu như các dự án của Cty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành, Cty cổ phần Đầu tư Nam Long, Cty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang , Cty Hưng Ngân, Cty Hưng Thịnh, Cty cổ phần Khang Điền, Cty Phước Thành, Cty cổ phần Thủ Thiêm, Cty Đất Xanh…
Nguyên nhân của sự hồi phục này là do chủ đầu tư áp dụng chiến lược bán hàng ưu đãi, bao gồm trong giá bán gói nội thất, tặng phiếu mua hàng, giảm giá bán và có lịch thanh toán dài hạn. Bên cạnh đó, diện tích căn hộ cũng phù hợp với nhu cầu người mua hơn so với những năm trước đây.
Ngoài phân khúc thị trường nhà ở căn hộ có qui mô vừa và nhỏ, trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường đón nhận tốt như các dự án của các Công ty Cổ phần Đầu tư vạn Thịnh Phát, Công ty Novaland, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức, Công ty cổ phần Phú Long, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng.
Cạnh đó, phân khúc thị trường văn phòng cho thuê cũng đang có dấu hiệu hồi phục với giá cả đang ở mức rất phù hợp : chỉ từ khoảng 16-17USD/m2 ở ngay trung tâm Quận 1 . Đặc biệt, sắp tới đây, với việc hoàn thành đường vành đai Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Cát Lái – Long Thành giai đoạn 1 đưa vào sử dụng và việc khẩn trương triển khai tuyến metro số 1 đã tạo thêm động lực thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS TPHCM.
Xin ông cho biết việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã thực hiện tới đâu. Vì sao các Doanh nghiệp, khách hàng khó tiếp cận với nguồn vốn này?
- Tính đến nay, gói tín dụng này chỉ mới giải ngân được chưa tới 10%, chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp thúc đẩy như mở rộng đối tượng cho vay. Cụ thể Cán bộ công chức có nền nhà có thể vay để xây nhà, người có nhu cầu mua nhà có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng, chủ nhà trọ có nhu cầu xây nhà để mở rộng nhà trọ cho sinh viên thuê thì cũng được vay gói tín dụng này.
Khó khăn là do các Bộ ngành và cả địa phương triển khai quá chậm. Như ở TPHCM, việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là rất khó . Tính đến cuối tháng 5/2014 mà hạn mức tín dụng đã ký kết chỉ có 989 tỷ đồng, trong đó có 540 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 449 tỷ đồng cho 799 cá nhân. Dư nợ hỗ trợ nhà ở là 448 tỷ đồng cho 510 khách hàng trong đó 245 tỷ đồng cho doanh nghiệp và 203 tỷ đồng cho 447 cá nhân.
Ông kỳ vọng gì vào thị trường BĐS trong thời gian tới?
- Tôi hi vọng Nghị định 61/CP của Chính Phủ sẽ giúp nhiều người dân mua được nhà ở. Đồng thời mong Quốc hội sớm thông qua Luật Nhà ở để Việt kiều có cơ hội nhiều hơn để mua nhà.
Xin cảm ơn ông!