Ban soạn thảo dự thảo thông tư trên cho hay, dựa trên các quy định của luật và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ba nhóm này gồm: công ty con, công ty liên kết và đầu tư thương mại.
Theo các quy định hiện hành, đặc biệt tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010, các tổ chức tín dụng buộc phải thành lập các công ty con để chuyên biệt hóa, độc lập hơn và giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của ngân hàng mẹ trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, tín dụng tiêu dùng, trung gian thanh toán…
Ở hình thức công ty con, các tổ chức tín dụng góp vốn với tỷ lệ sở hữu trên 50%, thậm chí 100% và có quyền chi phối.
Ở hình thức công ty liên kết, tổ chức tín dụng có mức sở hữu vốn khá cao, sở hữu từ trên 11% đến 50% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp nhận vốn góp, nhưng trong nhiều trường hợp lại không nắm quyền kiểm soát, chi phối nên không hoàn toàn chủ động được trong hoạt động quản lý rủi ro và/ hoặc đưa ra những quyết định quan trọng trong kiểm soát, xử lý rủi ro.
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước, khi các mối quan hệ sở hữu trở nên phức tạp hơn trong công ty liên kết, thì có thể tổ chức tín dụng sẽ bị thao túng gián tiếp thông qua các công ty liên kết. Mức độ rủi ro đầu tư ở đây là cao hơn.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành (Thông tư 36) không quy định việc hạn chế rủi ro chặt chẽ như loại hình công ty con. Ví dụ vốn góp vào công ty liên kết không bị loại trừ trực tiếp và hoàn toàn khoản góp vốn khỏi vốn cấp 1 khi tính hệ số an toàn vốn (CAR) của tổ chức tín dụng.
Do đó, trong dự thảo thông tư trên, Ngân hàng Nhà nước định hướng đưa ra các điều kiện áp dụng đối với hình thức góp vốn vào công ty liên kết sẽ được yêu cầu cao hơn so với hình thức góp vốn vào công ty con về mặt quản trị, điều hành, và kinh nghiệm hoạt động của tổ chức tín dụng.
Riêng với hình thức đầu tư thương mại, ban soạn thảo dự thảo trên nhấn mạnh mức độ rủi ro đối với các ngân hàng, so với hai hình thức đầu tư vào công ty con và công ty liên kết.
Ở hình thức này, tổ chức tín dụng sở hữu mức vốn góp với một tỷ lệ nhỏ hơn, sở hữu từ 11% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp nhận vốn góp trở xuống.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là các khoản góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp hoạt động ngoài lĩnh vực ngân hàng - tài chính, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như rủi ro thanh khoản, thua lỗ, xung đột lợi ích…. (nhất là khi đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết). Do đó, cơ quan này cho rằng, không nên khuyến khích, tạo điều kiện góp vốn, mua cổ phần đối với loại hình đầu tư thương mại.
Tuy nhiên, quy định hiện hành về các giới hạn an toàn nhằm hạn chế rủi ro đối với hình thức này lại chưa có điều chỉnh cụ thể, ngoại trừ giới hạn tổng mức góp vốn, mua cổ phần (bao gồm cả hình thức đầu tư thương mại) là 40% và 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại, công ty tài chính.
“Như vậy, điều kiện ràng buộc đối với loại hình góp vốn, mua cổ phần này cần được quản lý chặt chẽ nhất, với các điều kiện cao nhất so với các hình thức khác”, Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.
Theo đó, trong dự thảo trên, cơ quan soạn thảo đưa ra 10 nhóm điều kiện, như tổ chức tín dụng muốn đề nghị đầu tư ngoài ngành ở nhóm trên phải có lãi 3 năm liền trước, phải kiểm soát nợ xấu dưới 3% cùng phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, có giá trị thực vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định…
Ngoài ra, tổ chức tín dụng khi muốn đầu tư ngoài ngành như trên phải có phương án đầu tư thương mại và phương án thoái vốn khi cần thiết, trong đó có đánh giá hiệu quả của phương án đầu tư thương mại cũng như đánh giá khả năng thu hồi vốn.
Lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhận vốn góp, mua cổ phần của tổ chức tín dụng phải có liên quan, hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức tín dụng một cách có hiệu quả.