Khi nào tạm ngừng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng?
Dự thảo bổ sung khoản 5 Điều 11 Thông tư 03 về các trường hợp Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) được quyền tạm dừng việc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng liên quan đến khách hàng hoặc nhóm khách hàng, trong đó có 03 trường hợp: Tranh chấp, khiếu nại có tính chất phức tạp cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền (điểm a khoản 5); Khách hàng vay vi phạm khoản 2-5 Điều 6 Thông tư 03 (điểm b khoản 5); Các trường hợp tương tự khác (điểm d khoản 5).
Theo nhận định của VCCI, quy định về các trường hợp này là chưa rõ ràng, dễ bị lạm dụng. Đối với trường hợp ở điểm a khoản 5: Tranh chấp, khiếu nại này là giữa các chủ thể nào: Giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay? Giữa tổ chức tín dụng với CIC? Giữa các khách hàng vay với nhau? Tranh chấp, khiếu nại ở mức nào, kiểu gì thì được cho là có “tính chất phức tạp”?
Đối với trường hợp ở điểm b khoản 5, thì tại các khoản 2-5 Điều 6 Thông tư 03 quy định về nhiều loại hành vi cấm, trong đó có hành vi cấm chỉ áp dụng cho chính tổ chức cung cấp thông tin tín dụng, ví dụ, cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, cản trở hoạt động thu thập, khai thác thông tin tín dụng của tổ chức, cá nhân... mà không áp dụng cho khách hàng vay.
Còn đối với “Các trường hợp tương tự khác” tại điểm d khoản 5, VCCI cho rằng, quy định này quá chung chung và mở rộng khá nhiều phạm vi tạm ngừng cung cấp thông tin của CIC.
“Các quy định nói trên không rõ ràng, vì vậy trao khá nhiều quyền cho CIC trong quyết định cung cấp hay không, tạm ngừng hay không việc cung cấp thông tin cho khách hàng và có thể ảnh hưởng khá lớn đến quyền lợi của khách hàng. Ví dụ, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, việc tạm ngừng cung cấp thông tin khách hàng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hồi nợ của các AMC (công ty IC” – văn bản của VCCI gửi NHNN nêu – “Do vậy, để đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có liên quan và tính minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm d khoản 5 và quy định theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn trường hợp tại điểm a khoản 5”.
Tạm ngừng và tạm dừng cung cấp thông tin – được hiểu như thế nào?
Dự thảo quy định “thời hạn tạm ngừng việc cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng theo quy định tại khoản 5 nêu trên là 30 ngày kể từ ngày Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam nhận được tranh chấp, khiếu nại; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn đó có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam xem xét việc tạm dừng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng không thời hạn”.
Theo VCCI, quy định trên là chưa rõ ràng. Thứ nhất, về thời điểm bắt đầu tạm ngừng cung cấp thông tin tín dụng, dự thảo mới chỉ đề cập tới trường hợp tạm dừng do tranh chấp, khiếu nại mà chưa đề cập tới các trường hợp tạm dừng vì lý do khác? Ví dụ, nếu khách hàng vi phạm khoản 2-5 Điều 6 Thông tư 03 thì bắt đầu tạm ngừng từ thời điểm nào? Nếu dừng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì tính từ thời điểm nào? Đây là nội dung cần quy định cụ thể.
Đối với trường hợp dừng do tranh chấp khiếu nại, cũng cần làm rõ tranh chấp, khiếu nại này là giữa ai, như thế nào? Ngoài ra, cần chú ý là theo quy định hiện tại của Dự thảo thì không phải mọi tranh chấp, khiếu nại đều là căn cứ để dừng việc cung cấp thông tin mà ít nhất phải là tranh chấp đã được đưa ra trước cơ quan có thẩm quyền, đã được tiếp nhận/thụ lý và vụ việc đang trong quá trình giải quyết; như không thể cứ khi “nhận được tranh chấp, khiếu nại” là dừng cung cấp thông tin như Dự thảo nêu được. Hơn nữa, “nhận được tranh chấp, khiếu nại” cần được hiểu là thế nào: tự thu thập thông tin và biết? nhận được thông báo của bên liên quan? nhận được thông báo từ cơ quan có thẩm quyền?
Về thời hạn tạm dừng cung cấp thông tin tín dụng, dự thảo quy định 02 thời hạn: Nhóm thứ nhất thời hạn là 30 ngày (có thể gia hạn nhưng không quá 45 ngày) và Nhóm thứ hai không có thời hạn. Có thể thấy nhóm “không có thời hạn” ảnh hưởng lớn tới khách hàng và vì vậy phải là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, theo các căn cứ được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, Dự thảo hiện lại không quy định bất kỳ căn cứ nào mà trao quyền quyết định tuyệt đối cho CIC (“tùy trường hợp cụ thể”). Điều này là không hợp lý và có thể ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân muốn khai thác dịch vụ thông tin tín dụng. Vì vậy, cần quy định cụ thể những trường hợp CIC sẽ tạm dừng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng không thời hạn.
“Ngoài ra, cần chú ý rằng trường hợp tạm dừng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì không thể là tạm dừng không thời hạn được. Bởi nếu quyết định của cơ quan có thẩm quyền có nêu rõ về thời hạn tạm dừng thì phải theo thời hạn đó, trường hợp quyết định không nêu rõ thời hạn thì thực hiện theo thời hạn thông thường (30-45 ngày). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định về thời hạn tạm dừng cung cấp thông tin đối với trường hợp cụ thể này theo cách như nêu trên” – VCCI nhận định.