Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó bổ sung quy định giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp (đất xen kẹt) do Nhà nước quản lý.
Cụ thể, các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý được giao đất, cho thuê đất phải đáp ứng các tiêu chí sau:
+ Thuộc quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đất chưa giao, đất chưa cho thuê hoặc đất đang giao quản lý theo quy định.
+ Có diện tích, hình dạng không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của UBND cấp tỉnh.
+ Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
+ Không thuộc khu vực đất thực hiện các dự án, công trình đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai.
+ Đất dự kiến giao, cho thuê không có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm hoặc có tranh chấp, khiếu nại, vi phạm nhưng đã có văn bản giải quyết theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc giao đất, cho thuê đất, Nghị định nêu rõ: Ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp có từ hai người sử dụng đất liền kề trở lên có nhu cầu sử dụng thửa đất nhỏ hẹp; giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các trường hợp chỉ có một người có nhu cầu sử dụng đất.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp cho người sử dụng đất liền kề được thực hiện sau khi UBND các cấp đã tổ chức rà soát, công bố công khai và lấy ý kiến của người dân nơi có đất.
Việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp căn cứ vào đơn đề nghị giao đất, cho thuê đất của người sử dụng liền kề và phải được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ.
Sau khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, người sử dụng đất liền kề phải thực hiện thủ tục hợp thửa đất theo quy định.
Bảo đảm các quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự; không phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
Thời hạn sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp cho người sử dụng đất liền kề được xác định thống nhất với thời hạn sử dụng của thửa đất mà người sử dụng đất liền kề đang sử dụng. Trường hợp giao, cho thuê các thửa đất nhỏ hẹp gắn với việc chuyển mục đích sử dụng của thửa đất liền kề với thửa đất nhỏ hẹp thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 125 và Điều 126 của Luật Đất đai.
Giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Điều 114 của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
UBND cấp tỉnh quy định chi tiết việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý, việc lấy ý kiến người dân và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp tại địa phương để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao, cho thuê cho người sử dụng đất liền kề.
Nghị định 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/2/2021.
Tình trạng đất công xen kẹt trong các dự án là nỗi khổ của hàng loạt doanh nghiệp trong mấy năm trở lại đây trên khắp cả nước. Có dự án mất nhiều năm chỉ để hoàn thiện thủ tục pháp lý, trong đó có thủ tục cho đất xen kẽ, bởi theo quy định nếu có 1m2 đất công xen kẽ trong cũng phải tiến hành đấu thầu.
Tuy nhiên, quy trình đấu thầu hiện nay thủ tục kéo dài lê thê, nhiêu khê, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian cũng như tiền bạc mới có thể hoàn thành.
Nghị định mới ban hành là cơ sở để giải quyết các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, dự án bất động sản, giúp khai thông bế tắc cho hàng ngàn dự án nhà ở trong cả nước, vừa đảm bảo không làm thất thoát tài sản công (đất đai), vừa tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, cũng vừa làm căn cứ pháp lý để cơ quan chức năng có thể giải quyết minh bạch chính xác từng trường hợp.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 158 dự án vướng đất công. Vướng mắc này rất phổ biến tại nhiều dự án có quỹ đất hỗn hợp xen cài diện tích đất công (đường nội bộ, hẻm, lối đi, đường mòn, đất hở, kênh mương nội đồng...), thường chiếm tỷ lệ khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.
Tất cả các dự án này hiện nay đang bị ách tắc trong việc tính tiền sử dụng đất. Tại cuộc gặp gỡ của lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản đầu năm 2020, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong số 158 dự án này, có 124 dự án được TP.HCM cho vận hành trở lại, nhưng thực tế nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai bình thường.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ sau đó, Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, trong năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, quy mô thị trường và nguồn cung sản phẩm bất động sản sụt giảm. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản giảm doanh thu và lợi nhuận.
Tỷ trọng của ngành kinh doanh bất động sản trong tổng sản phẩm GRDP của TP.HCM có chiều hướng giảm sút (từ 7,3% xuống 4,1%). Điều này kéo theo tăng trưởng của ngành xây dựng giảm. Năm 2019, UBND thành phố chỉ chấp thuận đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý (giảm 24 dự án so với năm 2018); chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại (giảm 64 dự án so với cùng kỳ năm 2018)…
UBND TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án còn đang trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra rà soát thủ tục pháp lý. Nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Đối với trường hợp “đất xen cài”, lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị, đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000m2 trong các dự án (đất xen cài giữa các thửa đất, mương, rạch...), chấp thuận cho TP.HCM giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch. Còn đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000m2, kiến nghị Thủ tướng cho TP.HCM hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.