Theo Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Hữu Cường, nhà nước cần tạo cơ chế huy động các nguồn vốn mới ngoài kênh ngân hàng để hỗ trợ phát triển hơn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, có cơ chế giám sát, kiểm tra rõ ràng đồng thời hướng dẫn thực hiện vừa đảm bảo quyền lợi của người huy động vừa đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng. Có thể xem xét cơ chế hình thành Quỹ đầu tư bất động sản theo thông lệ quốc tế trong bối cảnh nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Cường cũng khuyến cáo cần phải tập trung phát triển một cách chuyên nghiệp, lành mạnh, công khai, minh bạch, không để thế độc quyền cho bất cứ đối tượng hay lĩnh vực nào liên quan tới bất động sản.
Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, ông Vũ Hoàng Minh, Phó Tổng Thư ký Câu lạc bộ BĐS Hà Nội đưa ra dự báo về xu hướng thị trường nhà đất ngoại thành đang nóng lên do tác động của các yếu tố: nhu cầu mở rộng nhà ở ra khu vực ngoài trung tâm, thu nhập của người dân tăng cao, sự phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng…
“Rõ ràng đang có xu hướng người dân di chuyển ra ngoại thành để ở vì lý do phù hợp với công việc của họ hoặc hợp với túi tiền. Nhiều người dân đang chọn ngoại thành để ở vì mức sống rẻ và thoải mái, không bị chen chúc như trong nội đô. Xu hướng này ngoài việc tạo sóng thị trường còn có mục đích rất tốt trong việc kéo giãn dân ra ngoài trung tâm để tránh quá tải ở nội đô”, chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, ông Minh cũng khuyến cáo cần hết sức cẩn trọng lưu ý khi tiến hành giao dịch tại khu vực ngoại thành, đặc biệt tránh giao dịch tại những khu vực đã quy hoạch.
Buổi gặp mặt thu hút nhiều đại biểu tham dự |
Đánh giá về hình thức kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng - một loại hình mới nổi lên và đặc biệt có sức hút từ 1 năm trở lại đây, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, bản chất của bất động sản nghỉ dưỡng là chia sẻ lợi nhuận và có thể coi đây là một kênh đầu tư về tài chính có đảm bảo bằng một bất động sản.
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại đó là, đa số người mua nhà đang có sự nhầm lẫn giữa hai dạng sản phẩm BĐS nhà ở và BĐS nghỉ dưỡng. Pháp luật đất đai quy định rõ nếu đất đai là đất nhà ở (chung cư, liền kề, biệt thự) có thể sử dụng xây nhà để bán, phân lô bán nền … Khu du lịch nghỉ dưỡng là đất thương mại dịch vụ nên chỉ được cho thuê đất và không được phân lô bán nền như đất ở.
Theo ông Điệp, để xác minh một dự án được sử dụng đất vĩnh viễn hay dự án được thuê đất 50 năm nhà đầu tư cần phải xem xét hồ sơ pháp lý của dự án. Ông Điệp cũng lưu ý, hiện tại có một vài dự án luật cho phép tách ra làm sổ đỏ, nhưng đa số các dự án khác là không thực hiện được việc cấp sổ đỏ. Nguyên nhân là do khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất chủ đầu tư phải đóng một số tiền rất lớn.
Chính vì vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn khi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không bán được. Vì tâm lý người dân, nhà đầu tư luôn chọn mua các dự án BĐS có sổ đỏ. Tại nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, khách hàng như ngồi trên lửa khi tiền đã trả hết nhưng có nguy cơ không nhận được sổ đỏ.
“Lĩnh vực này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, đòi hòi người đầu tư hết sức cẩn trọng, cân nhắc trước khi xuống tiền mua BĐS nghỉ dưỡng. Cần phải xem xét thận trọng tính pháp lý, quy hoạch, thời hạn của dự án cũng như thỏa thuận giữa hai bên. Bên cạnh đó, uy tín và năng lực tài chính của chủ đầu tư là yếu tố quan trọng để lựa chọn dự án, nhằm tránh rủi ro về khả năng thanh toán lãi khi dự án hoạt động. Thêm vào đó, thương hiệu quản lý khách sạn, vị trị dự án cũng như thị trường khách sạn khu vực cũng góp phần tạo nên thành công cho việc đầu tư các sản phẩm nghỉ dưỡng”, ông Điệp nhấn mạnh.