Theo Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội quý I/2021 của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội trong 3 tháng đầu năm nay đã giảm tới 29% theo quý và 19% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có ba dự án mới mở bán, cộng với 10 dự án cũ bán các giai đoạn tiếp theo, cung cấp tổng cộng 3.900 căn hộ ra thị trường.
Nếu tính cả hàng tồn kho, nguồn cung sơ cấp trên thị trường đạt 24.400 căn, giảm 10% theo quý và giảm 13% theo năm, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Savills.
Mặc dù sức mua giảm mạnh tới 29% theo quý và 37% theo năm với chỉ 4.700 căn hộ bán được trong ba tháng đầu năm nhưng đây cũng là quý cho thấy sức mua đã lớn hơn nguồn cung mới.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, sức mua giảm so với năm trước là do nguồn cung mới hạn chế và giá căn hộ tăng cao.
Giá chào bán sơ cấp trung bình trong quý vừa qua đạt 1.522 USD/m2, tăng 5% theo năm. Phân khúc căn hộ hạng B có giá tăng mạnh nhất thị trường, đạt 11% theo năm.
Các chủ đầu tư cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm chính là nguyên nhân khiến giá căn hộ tăng trong thời gian qua, bà Hằng nhận định. Hàng tồn kho trên thị trường cũng có mức giá cao.
Bà Hằng chỉ ra giá căn hộ tăng cũng là thách thức lớn với các chủ đầu tư do nhu cầu của khách hàng chủ yếu tập trung ở các sản phẩm trung cấp có giá từ 1.000-1.500 USD/m2.
Thanh khoản của sản phẩm này tăng mạnh, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số căn bán được, với 38%. Các dự án này tập trung chủ yếu ở các quận/huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Long Biên và Hoàng Mai.
Trong khi đó, các dự án hạng sang với mức giá trên 2.500USD/m2 chỉ chiếm 3% số căn bán được.
Một nguyên nhân nữa khiến sức mua căn hộ giảm mạnh, theo bà Hằng, là do các nhà đầu tư hiện nay đã không còn bỏ tiền vào phân khúc chung cư mà lựa chọn các sản phẩm có khả năng sinh lời cao hơn như đất nền, nhà thấp tầng tại vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Dự báo về triển vọng thị trường chung cư Hà Nội trong thời gian tới, bà Hằng cho rằng, trong năm 2021, gần 25.800 căn hộ từ 25 dự án mới và 2 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.
Căn hộ hạng B sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường với 89% thị phần. Nguồn cung lớn nhất sẽ đến từ quận Từ Liêm với 59% nguồn cung, quận Hoàng Mai với 13% và huyện Gia Lâm với 9% thị phần.
Trái với sự ảm đạm của thị trường căn hộ, phân khúc biệt thự liền kề tiếp tục thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ người mua. Trong đó, theo ghi nhận của Savills Việt Nam, hoạt động giao dịch tăng 83% theo quý và 232% theo năm.
Huyện Hoài Đức dẫn đầu lượng giao dịch với 56% thị phần, theo sau bởi quận Hà Đông với 24%. Khu vực phía Tây chiếm tới 80% lượng giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức 47%, tăng 14 điểm % theo quý và 26% theo năm.
Giá sơ cấp trung bình của biệt thự đạt 4.462 USD/m2, tăng 4% theo quý và 12% theo năm. Giá trung bình của nhà liền kề đạt 4.664 USD/m2, nhà phố thương mại đạt 7.860 USD/m2.
Lý giải về hiện tượng tăng giá nhanh chóng của phân khúc liền kề tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng đó là do khá nhiều nguồn cung được tung ra thị trường. Trước đây, nguồn cung về thấp tầng gần như đã tiêu thụ hết. Hiện các dự án được tung ra có thời gian chờ đợi đã rất lâu, đơn cử như Hinode Royal Park.
Nguồn cung của các khu vực khác cũng không nhiều, do đó mọi con mắt đều đang dồn về thị trường biệt thự, nhà liền kề phía Tây Hà Nội.
“Khu vực này đã từng chững giá rất lâu, nhưng hiện tại khi so sánh với các khu vực khác, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư tốt hơn, các dự án tiện ích cũng đang kéo về đây, giải bài toán cho điều kiện sống nếu người dân chuyển về đây. Theo đó, người mua - cả nhà đầu tư và người mua ở thực dần dần mua bán sôi động tại khu vực này” - bà Hằng cho biết.