Rõ ràng, minh bạch, người dân và chính quyền gần nhau hơn
Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, NHCSXH đã tổ chức giao dịch tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách. Hoạt động giao dịch tại xã là cách thức tổ chức giao dịch của NHCSXH với khách hàng tại Điểm giao dịch đặt tại UBND xã.
Tổ giao dịch xã tổ chức giao dịch với khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn xã, NHCSXH thực hiện các nghiệp vụ phát tiền vay trực tiếp cho người vay vốn, trực tiếp thu nợ từ người vay, thu lãi do các Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhận ủy nhiệm lên nộp, chi trả phí ủy thác và hoa hồng cho Hội, đoàn thể nhận ủy thác và Tổ TK&VV, thực hiện các nghiệp vụ về xử lý nợ rủi ro, nợ quá hạn, họp giao ban với các Hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã.
Sau 15 năm thực hiện, đến nay, NHCSXH đã tổ chức mở Điểm giao dịch xã ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã đã ổn định, nề nếp, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được phục vụ một cách chính xác và tiện lợi như tại Trụ sở NHCSXH nơi cho vay.
Tại các Điểm giao dịch (ĐGD) xã, NHCSXH thực hiện việc công khai về các chính sách, các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các quy trình, thủ tục của NHCSXH, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng người vay và nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể và người dân cùng biết để giám sát hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời kéo người dân về với chính quyền xã, làm cho xã gần dân.
Thông qua hoạt động của Tổ giao dịch tại Điểm giao dịch xã, NHCSXH đã đưa đồng vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh nhất, hạn chế được tiêu cực phát sinh trong hoạt động cho vay ưu đãi, đồng thời tiết giảm được chi phí đi lại cho người dân, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận và làm quen với các dịch vụ Ngân hàng.
Đồng thời, thông qua hoạt động của Tổ giao dịch xã, cán bộ NHCSXH được đào tạo thực tiễn, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giải quyết công việc, đã tạo ra một môi trường đào tạo thực tiễn toàn diện cho các cán bộ NHCSXH. Không chỉ thành thạo chuyên môn nghiệp vụ mà mỗi cán bộ NHCSXH còn được trau dồi về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, đoàn thể.
Tăng cường kiểm tra, chỉnh sửa bất cập trong thực tiễn hoạt động
Nhờ có hệ thống màng lưới Điểm giao dịch và hoạt động của Tổ giao dịch xã mà đã có trên 85% tổng giá trị giao dịch của NHCSXH với người nghèo và các đối tượng chính sách được thực hiện một cách thuận lợi tại xã, nơi mà họ đang cư trú với tổng dư nợ cho vay đạt hơn 166 ngàn tỷ đồng với hơn 6,7 triệu hộ vay. Thông qua hoạt động này, NHCSXH đã cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngay tại nơi cư trú của họ một cách tiện ích.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ giao dịch tại các Điểm giao dịch xã theo đúng quy định, duy trì lịch giao dịch cố định, thực hiện tốt việc công khai chính sách tín dụng ưu đãi, đưa vốn tín dụng chính sách đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH tăng cường trang bị về phương tiện và công cụ làm việc cho Tổ giao dịch xã như: trang bị đầy đủ phương tiện vận chuyển tiền chuyên dụng để đảm bảo an toàn kho quỹ trong quá trình điều chuyển tiền và đi giao dịch tại xã, trang bị đầy đủ máy tính xách tay, máy in..., thường xuyên kiểm tra chất lượng hình ảnh và file lưu trữ camera trong và sau khi giao dịch.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Tổ giao dịch xã để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót và chỉnh sửa bất cập trong thực tiễn hoạt động.
Đến ngày 30/9/2017, NHCSXH đã mở 10.974 Điểm giao dịch xã trên tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc; 102 xã, phường, thị trấn còn lại cũng được tổ chức giao dịch vào một ngày cố định trong tháng tại trụ sở NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện và được niêm yết công khai trên Website của NHCSXH.