Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho DNNVV” do NHNN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều qua, 5/10 được kỳ vọng đưa ra lời giải cho bài toán này…
Trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại ngân hàng
Báo cáo của NHNN cho biết, đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
“Có thể nói đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây và cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV đủ điều kiện vay vốn ngân hàng….”- ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN khẳng định. Theo thống kê của NHNN, hiện đã có trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Dẫn tỷ trọng vốn cho vay DNNVV của Việt Nam so với các nước trên thế giơi, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, với tỷ trong khoảng 22%/GDP hiện nay Việt Nam thuộc loại trung bình khá, chỉ thấp hơn một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ. Về lãi suất, TS Lực cũng cho rằng lãi suất cho vay đã giảm từ 7% cuối năm ngoái xuống trên 5% và nếu nói giảm lãi suất xuống nữa là rất khó.
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thực tế, với các chương trình kết nối, các sáng kiến, các gói tín dụng của những ngân hàng thương mại thường thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 0,5% - 1,5%. Thậm chí nhiều DNNVV còn được vay tín chấp tại các ngân hàng thương mại, điều mà trước đây rất hiếm thấy, ngoại trừ đối với doanh nghiệp nhà nước. “Có thể thấy từ vài năm gần đây, đặc biệt là từ khi triển khai Thông tư 39 của NHNN quan hệ tín dụng giữa ngân hàng thương mại và DN, đặc biệt là DNNVV đã được cải thiện theo hướng cởi mở hơn, gần gũi hơn và hiệu quả hơn”- TS Lê Xuân Nghĩa nhận định…
Gỡ từ đâu?
Nhiều nguyên nhân khiến DN vẫn kêu khó tiếp cận vốn ngân hàng và ngân hàng vẫn phàn nàn khó mở rộng tín dụng cho DNNVV, trong đó có nguyên nhân từ cơ chế, từ các ngân hàng và bản thân DN.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc mở rộng tín dụng cho DNNVV đang đặt ra nhiều rủi ro đáng quan tâm. Đó là rủi ro về sử dụng sai mục đích, rủi ro về việc sử dụng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đặc biệt là bất động sản; rủi ro về việc mở rộng quy mô không phù hợp với nhu cầu thị trường, năng lực quản lý của DNNVV; rủi ro do quản lý vốn, quản lý tài chính của DN thiếu minh bạch...
“Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng tín dụng cho DNNVV, các ngân hàng thương mại cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc và các quy trình thủ tục đơn thuần… Các DN phải báo cáo định kỳ cho ngân hàng về các chỉ tiêu tài chính cơ bản có liên quan đến sử dụng vốn vay…”- TS Nghĩa đề nghị.
TS Cấn Văn Lực cho rằng ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, DNNVV còn có nhiều kênh vốn nữa mà DN vẫn chưa phát huy được (ngân sách nhà nước thông qua trợ cấp, bảo lãnh, bảo lãnh, ưu đãi, giảm thuế…, nguồn vốn nước ngoài, huy động từ thị trường vốn, đối tác, bảo lãnh, chiết khấu, thuê tài chính, vốn tự có, vốn góp…) nên DNNVV cần phát huy hiệu quả của các nguồn vốn này…
Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.
Đặc biệt, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và DN; tích cực triển khai chương trình Kết nối ngân hàng - DN. Đồng thời khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay…