Câu hỏi trực tiếp được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đặt ra với ông Tú Anh trong phần toạ đàm là cơ hội giảm lãi suất của năm nay thế nào?
Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn đã được nhiều chuyên gia phân tích, ông Tú Anh nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước là tuyến đầu chống đỡ bất ổn từ bên ngoài, trong khi áp lực lạm phát đang cao.
Những thách thức lớn
Những thách thức lới với chính sách tiền tệ được nêu rõ hơn trong bản tham luận của ông Tú Anh gửi đến hội thảo. Tham luận này nhận định, 2017 và xu hướng các năm tới có những thay đổi bất lợi cho kinh tế Việt Nam.
Như, độ co giãn của cầu nhập khẩu theo thu nhập đã giảm rõ rệt từ năm 2011 đến nay tại hầu hết các nền kinh tế APEC và trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước phát triển.
Xu hướng này là khá rộng khắp. Điều này có nghĩa là mặc dù các nước có tăng trưởng kinh tế nhưng tốc độ tăng nhu cầu nhập khẩu lại giảm, và đang có xu hướng kinh tế tăng trưởng nhưng nhu cầu nhập khẩu lại giảm (độ co giãn âm). Ông Tú Anh đặt câu hỏi, phải chăng đây là dấu hiệu của xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng?
Theo tác giả tham luận thì xu hướng này đang đặt ra một thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam, đó là khi giá cả thế giới phục hồi, nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong khi xuất khẩu tăng yếu (do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng yếu) do đó sẽ tạo áp lực rất lớn lên cán cân vãng lai trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Yếu tố thứ hai được đề cập là để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho tăng trưởng bền vững, năm 2017 Chính phủ đã có các chính sách quyết liệt trong việc siết chặt kỷ luật ngân sách và nợ công, đặc biệt là nợ nước ngoài trong bối cảnh giá trị các đồng tiền vay nợ biến động khó lường. Điều này đã hạn chế đáng kể vai trò của chính sách tài khoá trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhận định tiếp theo là sự bất định của chính sách kinh tế Mỹ, sự chưa rõ ràng trong đối sách của các nước lớn trong chính sách về tỷ giá, xu hướng bảo hộ thương mại, là những yếu tố bất lợi đối với xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực sản xuất nông-lâm-thủy sản cũng gặp thách thức trước tác động của biến đổi khí hậu tình trạng dư cung trên thị trường gạo thế giới.
Bên cạnh đó, áp lực lạm phát trong nước có khả năng sẽ cao hơn so với năm 2016 trước nhiều yếu tố tác động bất lợi, tác giả tham luận nhấn mạnh.
Bản tham luận phân tích, một mặt, lạm phát trong nước chịu tác động của xu hướng giá hàng hóa thế giới tăng trở lại. Mặt khác, lạm phát trong nước bị tác động bởi lộ trình tăng giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng của nhà nước (y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt…).
Bên cạnh đó, tác động ngày càng bất lợi của thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… đến nguồn cung nhiều loại hàng hóa, dịch vụ (nhất là lương thực, thực phẩm) sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực lên giá cả hàng hóa trong nước. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% cũng tạo sức ép lớn lên lạm phát cơ bản.
Ngoài ra, xu hướng đồng USD lên giá và các nước nhiều khả năng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chủ động làm yếu đồng nội tệ, điều này có thể ảnh hưởng tới tỷ giá và lạm phát trong nước, tác giả nhận định.
Với những phân tích trên, vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá, những thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 đã bắt đầu bộc lộ tương đối rõ.
Áp lực lạm phát đang tăng lên; nhu cầu tín dụng cũng gia tăng theo đà phục hồi kinh tế; đồng tiền các nước trên thế giới biến động mạnh tác động trực tiếp lên tỷ giá và tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nước; Sự phục hồi của cán cân vãn lại chưa vững chắc đặc biệt khi nhu cầu nhập khẩu tăng mà xuất khẩu không tăng tương ứng; dòng vốn FDI có nhiều yếu tố khả quan nhưng cũng còn nhiều bất định…
Với vai trò ổn định giá trị đồng tiền mà biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cần thiết như đã quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, chính sách tiền tệ sẽ phải điều hành thận trọng vừa đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu ổn định lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời vẫn phải tiếp tục ổn định thị trường tài chính, tiền tệ và củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam trong bối cảnh diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính quốc tế.
Xã hội còn khắt khe với Ngân hàng Nhà nước
Về định hướng chính sách tiền tệ 2017, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm hài hòa giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng, ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối, chủ yếu tập trung vào đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ.
Cụ thể, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của tổ chức tín dụng và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ và ngoại tệ.
Thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý đối với tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ nguồn vốn giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý.
Ông Tú Anh cũng nhấn mạnh, để cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu có tính xung đột như hiện nay là một thách thức rất lớn đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nó đòi hỏi cơ quan này phải bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước; dự báo các xu hướng chính của thị trường tài chính trong nước và trên thế giới để kịp thời đưa ra các chính sách ứng phó kịp thời.
Điều này đặc biệt khó khăn khi thị trường tái chính trong nước còn non trẻ, các tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, và xã hội vẫn còn rất khắt khe với Ngân hàng Nhà nước trong việc chấp nhận rủi ro chính sách trên một thị trường đầy bất định như hiện nay, bản tham luận nêu rõ.
Chính phủ hết sức thận trọng với chính sách tiền tệ cũng là điều được nhiều chuyên gia khuyến cáo tại hội thảo.