Trước hết, việc thực hiện một cách toàn diện tái cơ cấu ở tất cả các lĩnh vực trên các phương diện của nền kinh tế nói chung, phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của đồng tiền tức là mức lạm phát hàng năm.
Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng vừa được công khai lấy ý kiến rộng rãi đã đưa ra các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, trong đó có nội dung đáng chú ý là sẽ kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm. Theo ông thì lộ trình liệu có khả thi hay không?
- Tại dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhiều mục tiêu, biện pháp để thực hiện chương trình tái cơ cấu từ đầu tư, tái cơ cấu ngành kinh tế, các vùng miền, các lĩnh vực khác... nếu chúng ta thực hiện được một cách thắng lợi tất cả các lĩnh vực đó thì sẽ hướng tới mục tiêu hạ lãi suất tín dụng xuống mức 5%/năm theo đúng lãi suất bình quân thông thường của các nước đang phát triển.
Đây cũng là mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng phấn đấu trong thời gian tới có thể ở năm 2020 hoặc những năm sau đó.
Theo tôi, trong giai đoạn 2016-2020, tính khả thi đưa lãi suất về mức 5%/năm này thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Trước hết, việc thực hiện một cách toàn diện tái cơ cấu ở tất cả các lĩnh vực trên các phương diện của nền kinh tế nói chung, phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của đồng tiền tức là mức lạm phát hàng năm.
Ngoài ra, phụ thuộc vào năng lực của các tổ chức tín dụng, phụ thuộc vào quan hệ cung cầu giữa bên gửi tiền và bên sử dụng tiền. Chúng ta cũng biết, người có tiền gửi bao giờ cũng muốn có lãi suất cao, người vay tiền luôn mong có mức lãi suất thấp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có định hướng, điều chỉnh theo mục tiêu của chính sách tiền tệ và mục tiêu chính sách kinh tế của Chính phủ trong từng giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay về mức 5%/năm này là việc hết sức là khó khăn, cần phải có những phân tích kỹ lưỡng và có những biện pháp hiệu quả thì mới đạt được mục tiêu này.
Trong thời gian tới ngành ngân hàng quyết liệt đồng bộ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và cải cách hành chính như thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cung ứng vốn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế?
- Từ trước đến nay Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để duy trì ổn định và sản xuất kinh doanh. Về phía ngân hàng, cải cách hành chính cũng được thực hiện rất quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước cùng với các tổ chức tín dụng liên tục có những biện pháp cắt giảm thủ tục, điều kiện không cần thiết hoặc không còn phù hợp với tình mới và đồng thời tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được với dịch vụ của ngân hàng trong đó có tín dụng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành ngân hàng làm đồng bộ nhiều biện pháp, đó là tăng cường đưa ra nhiều sản phẩm cả về thanh toán và tín dụng cho các khách hàng có điều kiện tiếp cận tốt hơn. Bên cạnh việc tăng cường tìm cách huy động nguồn lãi suất thấp, ngân hàng cũng sẽ tìm cách tiết giảm các chi phí quản lý và các chi phí khác để có điều kiện để hạ thấp lãi suất tín dụng.
Một vấn đề khác nữa để giảm lãi suất là làm tốt công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nếu chúng ta xử lý tốt nợ xấu thì nguồn vốn sẽ quay vòng tốt hơn và tổ chức tín dụng có nguồn tài chính tốt hơn để giảm chi phí cho khách hàng.
Một mặt nữa, công tác marketing tìm hiểu khách hàng, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi sẽ được tiến hành rất tích cực, trong đó sẽ triển khai mạnh các chương trình như chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, cho vay hỗ trợ người nghèo và cho vay ưu đãi đối với 5 lĩnh vực ưu tiên…
Thưa ông, tại sao thời điểm này lượng vốn vào ngân hàng nhiều nhưng lãi suất cho vay lại chưa giảm được, trong khi đó các tổ chức tín dụng lại tập trung vào mua trái phiếu Chính phủ với khối lượng lớn?
- Việc sử dụng các nguồn vốn huy động được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và cho vay đối với nền kinh tế là việc phải tính toán rất kỹ càng đối với từng tổ chức tín dụng. Mục tiêu ngành ngân hàng đặt ra trong năm nay sẽ tăng trưởng tín dụng với dư nợ đạt 18%-20%. Về cơ bản, tôi khẳng định ngành ngân hàng sẽ đạt được mục tiêu đó. Riêng trên địa bàn Hà Nội, tính đến hết tháng Tám đã tăng trưởng dư nợ đạt gần 12% và đến cuối năm sẽ thực hiện được mục tiêu này.
Điều đó chứng tỏ ngành ngân hàng đã rất tích cực trong việc cho vay, còn việc thừa vốn hay thiếu vốn đối với các tổ chức tín dụng chỉ là tạm thời trong từng thời điểm. Họ sẽ điều chỉnh mức thừa thiếu đó bằng cách đầu tư vào trái phiếu, thị trường mở hoặc đưa ra cho vay đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có những phản ánh việc tiếp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý và cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực hơn trong vấn đề này.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý việc cải cách thủ tục cho vay không phải chỉ riêng ngành ngân hàng quyết định mà còn nhiều những thủ tục khác liên quan đến các ngành khác như ngành tư pháp, tài nguyên môi trường, công chứng, đăng ký các tài sản bảo đảm… Đây cần có sự cải cách hành chính và lưu tâm giúp đỡ doanh nghiệp của các ngành này thì mới tạo ra được những giải pháp đồng bộ để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc vay vốn ngân hàng với mức lãi suất hợp lý.
Việc ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì đây là hoạt động đầu tư rất thông thường của ngân hàng, khi có nguồn vốn thì học sẽ tính toán đầu tư vào đâu và đầu tư bao nhiêu. Việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ không phải là vốn sẽ nằm chết vào trong số trái phiếu đó mà khi tổ chức tín dụng cần vốn để cho vay nền kinh tế mà chưa huy động được thì tổ chức tín dụng đem trái phiếu Chính phủ đến thị trường mở để được tái cấp vốn tái tạo nền kinh tế.
Xin ông cho biết kết quả của việc hạ lãi suất cho vay từ tháng Năm theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ?
- Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, năm nay ngành ngân hàng cũng sẽ cố gắng giảm mặt bằng lãi suất cho vay xuống so với trước. Tuy nhiên, đầu năm có cũng một vài khó khăn khách quan, quan hệ cung cầu vốn cũng khá căng thẳng nên lãi suất huy động của một số ngân hàng có tăng lên, từ đó khó có điều kiện để giảm lãi suất.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải tìm mọi cách để huy động được nguốn rẻ, tiết giảm chi phí, tích cực xử lý nợ xấu để có điều kiện hạ lãi suất xuống. Hồi đầu năm, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%-9%, nhưng đến thời điểm này theo báo cáo của các tổ chức tín dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đã giảm xuống còn từ 7%-8,5%. Như vậy chiều hướng giảm lãi suất đã bắt đầu trở thành hiện thực.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý một vấn đề, bên cạnh cho vay thông thường thì ngành ngân hàng đã rất chú trọng đến các chương trình ưu đãi như chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) thì những khách hàng này lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%-7%/năm, trung dài hạn cũng chỉ từ 9%-10%/năm./.