Thời điểm “vàng” đầu tư BĐS công nghiệp
Những con số về BĐS công nghiệp vừa được Bộ Xây dựng công bố mới đây cho thấy tín hiệu lạc quan về BĐS công nghiệp ở Việt Nam. Theo đó, dù các loại hình BĐS khác đều ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng BĐS công nghiệp vẫn phát triển với những con số ấn tượng. Trong Quý III/2020, tỷ lệ lấp đầy bình quân được ghi nhận tại các khu công nghiệp của bốn tỉnh và thành phố công nghiệp trọng điểm miền Nam là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đều đạt gần 85%.
Tương tự, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại năm tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng duy trì ở mức tích cực, 78%. Trong đó, các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 90%.
Theo Savills Việt Nam, đang có xu hướng nhiều tập đoàn lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày, sản xuất phụ tùng đã và đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo phân tích của Savills Việt Nam, cuộc thương chiến Mỹ - Trung, sự xuất hiện của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đang tạo nên những dịch chuyển trên.
Savills Việt Nam đánh giá, làn sóng các doanh nghiệp đang làm ăn ở Trung Quốc sang Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021. Đây là cơ hội lớn để BĐS công nghiệp ở Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, diện tích để phát triển BĐS công nghiệp ở Việt Nam lại được đánh giá không còn nhiều, cần sớm phải quy hoạch lại để mở rộng quy mô.
Doanh thu bền vững
Theo ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam (đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam), quỹ đất phát triển khu công nghiệp Việt Nam đang rất hạn hẹp, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt còn hạn chế hơn. Nếu muốn lấy đất mở rộng các khu công nghiệp cũng gặp rào cản. Với hệ thống hạ tầng hiện tại, lo ngại Việt Nam không thể đáp ứng được hết những yêu cầu của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ nước ngoài đang dần hiện hữu.
Thừa nhận khan hiếm về quỹ đất, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng những nguồn lực hiện tại trên thị trường chỉ đủ phục vụ, thu hút các doanh nghiệp FDI trong điều kiện bình thường. Nếu có một làn sóng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn tới thì diện tích như hiện tại sẽ không đáp ứng đủ.
Trao đổi với PLVN, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, dù thế mạnh của đơn vị này là sản xuất thép, nhưng trong những năm qua Hòa Phát cũng phát triển một số dự án BĐS công nghiệp. Hiện tại tỉnh Hưng Yên, Hòa Phát đang có hai khu công nghiệp là Phố Nối A và khu công nghiệp Yên Mỹ 2: “Nơi nào hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật như điện nước, giao thông… thì có doanh nghiệp đến thuê liền. Hiện tỷ lệ lấp đầy hai khu công nghiệp trên của Hòa Phát lên đến gần 100%”, đại diện Hòa Phát nói.
Đại diện Tập đoàn này còn cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích quy mô hai khu công nghiệp ở Hưng Yên theo quy hoạch đã được phê duyệt và phát triển thêm khu công nghiệp ở Hà Nam. Doanh thu từ các khu công nghiệp thường ổn định, bền vững, ít rủi ro so với nhiều loại hình kinh doanh BĐS khác nên các nhà đầu tư trong lĩnh vực này hết sức quan tâm.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn “nhảy” vào Việt Nam
Theo Savills Việt Nam, trong quý III/2020, hàng loạt thương vụ đầu tư của nhiều tập đoàn lớn đã diễn ra để thâm nhập thị trường Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn Logos Property (Úc) đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh BĐS logistics tại Việt Nam; “Gã khổng lồ” kho bãi Châu Á - GLP lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam; Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam.
Ngoài ra, Công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh. Trong lĩnh vực sản xuất, Tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan, Trung Quốc), nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.