Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Sửa Luật đất đai: Tạo đất cho du lịch” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/10, TS Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đã dẫn một loạt chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch, trong đó có Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo TS Lực, chính sách ưu tiên, tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch đã được chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước cũng như của ngành. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn chưa được hiện thực hóa thành các giải pháp thống nhất, đột phá và cụ thể để phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ và bền vững.
Liên quan đến khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch, theo TS Cấn Văn Lực,mặc dù quy định pháp luật hiện hành đã cho phép đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án du lịch, thương mại dịch vụ, song còn thiếu cơ chế thu hồi đất đối với các loại dự án này.
DN kinh doanh du lịch hiện chỉ có thể tiếp cận quyền sử dụng đất (SDĐ) để thực hiện các dự án du lịch thông qua hình thức nhận chuyển nhượng hoặc đấu giá quyền SDĐ mà không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền SDĐ (theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư).
Trong khi đó, hình thức đấu giá quyền SDĐ lại phụ thuộc phần lớn vào quỹ đất do địa phương nắm giữ và phụ thuộc vào ngân sách của địa phương và khả năng thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng dự án (cần thỏa thuận đền bù với 100% số hộ dân). Đây là một trong những vướng mắc lớn, khiến nhiều nhà đầu tư còn e ngại.
TS Cấn Văn Lực Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia phát biểu tại Hội thảo. |
Quan trọng hơn, Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng lại không có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí.
“Là một ngành có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, liên quan tới nhiều ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, ngành du lịch nên được xem xét là ngành góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa như tiêu chí nêu tại Điều 79 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…” - TS Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.
Đồng thời đề xuất, cần có cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất và thực hiện đấu thầu hay đấu giá các dự án du lịch hoặc các dự án nhà ở/khu đô thị kết hợp với du lịch, thương mại dịch vụ để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Liên quan đến câu chuyện dự án thuộc diện trả tiền thuê đất 1 lần hay hàng năm? Theo TS Cấn Văn Lực, mỗi hình thức có những mặt tích cực và hạn chế khác nhau, do đó nên trao quyền cho địa phương thỏa thuận với nhà đầu tư.
Hạ tầng du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nâng tầm diện mạo đô thị, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh minh họa |
Dẫn các quy định hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) TS. Đỗ Thanh Trung, Cố vấn Ban giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho rằng, nhà đầu tư có khả năng chỉ có thể tiếp cận đất đai để thực hiện dự án du lịch, vui chơi, giải trí (sử dụng nguồn vốn tư nhân) thông qua 2 hình thức: Đấu giá quyền SDĐ khi dự án sử dụng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý tại khoản 1 Điều 217 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Hoặc thỏa thuận nhận quyền SDĐ theo quy định tại Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Với các dự án du lịch, vui chơi, giải trí có quy mô lớn mà khu đất không thuộc quỹ đất quy định tại khoản 1 Điều 217 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì nhà đầu tư chỉ có thể tiếp cận đất đai để thực hiện dự án thông qua thỏa thuận nhận chuyển quyền SDĐ. Tuy nhiên, tại một khu đất với diện tích lớn thì việc thỏa thuận được 100% các hộ dân là điều rất khó. Trong khi Điều 128 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp không thỏa thuận nhận chuyển nhượng được toàn bộ thì Nhà nước sẽ hỗ trợ thu hồi đất.
GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội |
GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ băn khoăn với 2 cụm từ “được thu hồi” và “phải thu hồi”.
“Vấn đề là chính sách và thực thi chính sách như thế nào để người dân không bị thiệt hại, muốn được thu hồi đất. Tiếp đó, thu hồi xong đấu thầu hay đấu giá" Giá đất khi là nông nghiệp sang đất du lịch chênh lệch rất lớn, làm sao người dân được hưởng phần thặng dư đó chứ không rơi vào túi DN…” - GS.TS Hoàng Văn Cường lưu ý.
Đồng tình với việc đưa dự án du lịch thuộc diện nhà nước thu hồi đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) song GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng cần phải quy định điều kiện dự án du lịch nào mới thuộc diện nhà nước thu hồi đất.
Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực đề xuất: "Phải nêu tiêu chí của dự án du lịch. Thứ nhất, phải nằm trong quy hoạch (Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch du lịch); Thứ hai, phải đáp ứng các tiêu chí của một dự án du lịch (Theo Luật Du lịch 2017); Thứ ba, phải là du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Đặc biệt, cùng với đó phải tăng chế tài xử lý vi phạm...".