Theo UBND Đồng Nai, căn cứ Quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến 2030 tầm nhìn 2050; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến 2030 tầm nhìn 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến 2020 và 2021-2030; việc lập quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 đô thị Long Thành đến 2045 để đảm bảo mục tiêu ngắn hạn trở thành TX và dài hạn trở thành TP trực thuộc tỉnh, khẳng định vai trò trong vùng TP HCM, vùng tỉnh Đồng Nai là “hết sức cần thiết”.
Tại tờ trình, khu vực lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Long Thành tổng diện tích tự nhiên khoảng 430.62 km, gồm: 14 đơn vị hành chính (1 thị trấn Long Thành và 13 xã An Phước, Bình An, Long Đức, Lộc An, Bình Sơn, Tam An, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Long Phước, Phước Bình, Tân Hiệp, Phước Thái).
Khu vực lập quy hoạch có địa giới hành chính: phía Đông giáp huyện Thống Nhất và Cẩm Mỹ (Đồng Nai); phía Tây giáp huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP HCM; phía Nam giáp huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu); phía Bắc giáp TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
Về tính chất, chức năng đô thị của quy hoạch, UBND Đồng Nai cho biết: Đến 2030 đô thị Long Thành là đô thị loại III, là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế cấp tỉnh…
Đây cũng là đô thị sân bay phát triển bền vững tiền đề phát triển công nghệ xanh - sinh thái thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hạ tầng xã hội đáp ứng đầy đủ tiện nghi cuộc sống. Đô thị có môi trường trong lành, đáng sống mang tầm quốc tế, quốc gia. Đồng thời cũng là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo đánh giá của Đồng Nai, việc hình thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành và hệ thống các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành; Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Bảo Lộc; Cụm Cảng biển nhóm IV cùng với Cảng hàng không Long Thành tạo điều kiện cho Long Thành trở thành một Trung tâm kho vận, tiếp vận, trung chuyển hàng hóa lớn phía Đông vùng TP HCM là động lực rất quan trọng, thúc đẩy phát triển đô thị Long Thành.
Ngoài ra, với vai trò vị trí chiến lược là giao điểm của hai hành lang kinh tế động lực của quốc gia và vùng, là cửa ngõ của TP HCM, đô thị Long Thành sẽ là đầu tàu phát triển kinh tế của toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hình thành các chức năng quan trọng giảm tải cho TP HCM: liên kết, hợp tác với các đô thị lớn trong vùng TP HCM, chia sẻ hỗ trợ phát triển với hệ thống đô thị, công nghiệp vùng miền Đông Nam Bộ; Phát triển các Khu nghiên cứu KHCN, KCN công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các Trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ, Trung tâm đào tạo, Logistics cấp vùng.
Về mục tiêu lập quy hoạch, Đồng Nai cho rằng thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững, nội dung nghiên cứu quy hoạch sẽ lồng ghép phát triển đô thị bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng đất và tài nguyên hiệu quả; đề xuất mô hình phát triển không gian đô thị phù hợp theo đặc thù địa phương, các không gian đa chức năng, linh hoạt, hướng tới mô hình đô thị phát thải các - bon thấp.
Cùng với đó định hướng phát triển đô thị Long Thành đến 2030 và tầm nhìn 2045 hình thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; là một cực phát triển quan trọng của vùng TP HCM. Trong đó: Phát triển đô thị sân bay kết hợp Trung tâm tài chính - dịch vụ, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như trí thông minh nhân tạo (Al), năng lượng xanh. Định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc tế, quốc gia; Phát triển đô thị thông minh - sinh thái - bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH đồng bộ; Phát triển công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ dịch vụ Logistics cùng với sân bay Long Thành.