Nông nghiệp “kéo” kinh tế tăng trưởng chậm lại
Báo cáo ADO cho hay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 giảm còn 6,2%, thấp hơn so với 6,7% trong năm 2015. Trong đó, nông nghiệp vẫn là một trong những nhân tố chính kéo kinh tế tăng trưởng chậm lại.
“Nông nghiệp chiếm 18% trong tổng GDP nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2011 chỉ đạt 2,4%, kéo lùi tăng trưởng kinh tế. Không những thế, tăng trưởng trong nông nghiệp còn có xu hướng suy giảm” – ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB lý giải.
Thời gian tới, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% trong năm 2017; đạt 6,7% trong năm 2018 và vẫn là một trong những nền kinh tế có tăng trưởng tốt trong khu vực châu Á. Cán cân thanh toán được dự báo tiếp tục ổn định dù có những bất ổn trên thị trường toàn cầu.
Trong đó, thặng dư tài khoản vãng lai rơi vào khoảng 2,0% trong năm 2017 và 2,5% trong năm 2018. Lạm phát vẫn tiếp tục tăng với chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4% khoảng năm 2017 và 5% năm 2018. Các mức giá hành chính trong nước như giá dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông và mức lương tối thiểu tăng. “Tuy nhiên, những diễn biến này sẽ không gây ra cú sốc nào cho tăng trưởng của Việt Nam” – ông Batten nhận định.
Báo cáo của ADB cho rằng những kỷ lục trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sẽ được duy trì và thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh và dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay lên 33 triệu người vào năm 2030 cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ. Theo ADB, đây sẽ là các động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tới.
Cải cách nông nghiệp chính là then chốt
Theo chuyên gia kinh tế Batten, tăng trưởng ở Việt Nam vẫn ổn định nhưng vẫn dưới mức cần thiết để đạt được vị thế nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. “Dù lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp bùng nổ nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức 7% và có xu hướng đi xuống. Việt Nam đặt mục tiêu là nước có thu nhập trung bình nhưng với mức tăng trưởng hiện tại, Việt Nam sẽ chỉ đạt được mục tiêu là nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2031. Nếu mức tăng trưởng tăng được thêm 2% thì mục tiêu này sẽ đạt được vào năm 2026” – ông Batten nói.
Báo cáo cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng chung của Việt Nam thì cải cách nông nghiệp chính là then chốt. Bởi, trong năm 2017, theo báo cáo của ADB, sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng nhẹ với viễn cảnh giá lương thực toàn cầu tăng và thời tiết bớt biến động hơn. Tuy nhiên, khu vực này tiếp tục tăng trưởng chậm hơn so với phần còn lại của nền kinh tế Việt Nam, làm giảm đà tăng trưởng chung. “Nếu tăng trưởng nông nghiệp đạt 5% thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được hơn 7%/năm” – ADB cho hay.
Ông Batten cho rằng để cải thiện tăng trưởng nông nghiệp thì phải cải thiện năng suất lao động. Bởi sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 Indonesia, bằng 1/2 so với Thái Lan và Philippines. Bên cạnh đó, lĩnh vực này còn chịu áp lực về môi trường vì sử dụng nhiều đất, nước, phân bón hơn.
“Việt Nam đang sử dụng nhiều nguồn lực trong chuỗi cung ứng nông nghiệp. Trong đó, những người bán phân bón, chế biến… mới là những người hưởng lợi nhiều nhất, còn người nông dân được hưởng lợi ít nhất khiến họ mất động cơ sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Việt Nam phải chuyển đổi cấu trúc trong chuỗi cung ứng để giá đầu vào như máy móc, phân bón không cao bất hợp lý với người nông dân, đảm bảo người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất” – chuyên gia kinh tế của ADB khuyến nghị.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng Việt Nam có thể cải thiện hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách sử dụng những công nghệ ở đúng tầm để tăng hiệu quả, năng suất lao động. Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai, gắn chặt các trường nghề với doanh nghiệp để tạo ra được năng lực công nghệ của chính Việt Nam. “Tóm lại, toàn bộ câu chuyện cho Việt Nam là Việt Nam không chỉ cần nhiều nguồn lực vốn, lao động hơn mà là phải sử dụng hiệu quả hơn với kỹ năng, nguồn lực vốn, lao động” – ông Batten nhấn mạnh.
Theo ông Sidgwick, ở Việt Nam có xu hướng nhập khẩu công nghệ có chi phí thấp vì doanh nghiệp hạn chế về ngân sách và muốn cắt giảm chi phí. “Nhưng phải nhìn chi phí công nghệ trong toàn bộ vòng đời chứ không chỉ giá nhập vào. Việt Nam đã làm tốt trong đa dạng hóa thị trường nhập và xuất khẩu nên tôi tin tưởng Việt Nam sẽ nhìn rộng để suy nghĩ, lựa chọn công nghệ phù hợp” – ông nói.