Dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới. Để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật hiện hành về đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư và đầu tư công, dự thảo chỉ bổ sung những quy định mang tính đặc thù, yêu cầu quản lý phát triển đô thị. Với nguyên tắc này, các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, do việc lập hồ sơ đề xuất quyết định chủ trương đầu tư mới là các thủ tục ban đầu, chưa có quy hoạch chi tiết cũng như các nội dung cụ thể của Dự án, do vậy không có các nội dung yêu cầu về tuân thủ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị. Nếu chỉ dừng lại ở việc chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư phát triển đô thị sẽ thiếu đi sự giám sát cần thiết trong tuân thủ quy hoạch và phù hợp với kế hoạch.
Trên cơ sở phân tích tính đặc thù của Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Nghị định 11/2013/NĐ-CP khi được ban hành đã là công cụ hiệu quả, toàn diện của Chính phủ nhằm kiểm soát bất cập trên. Việc thẩm định để chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định do các cơ quan chuyên ngành về phát triển đô thị thực hiện trên cơ sở hồ sơ dự án và quy hoạch chi tiết được duyệt sẽ đảm bảo sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển đô thị được duyệt. Đây là công cụ kiểm soát quan trọng, đơn giản, đã phát huy hiệu quả, được các địa phương đồng thuận do khắc phục được các bất cập lớn ở giai đoạn trước, đó là đầu tư phát triển đô thị ồ ạt, không có kế hoạch, thiếu kiểm soát sự thống nhất giữa quy hoạch chi tiết của dự án và quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Bên cạnh quy định về thủ tục hành chính chấp thuận dự án, kế thừa các quy định chấp thuận đầu tư nêu trên quy định tại Nghị định 11/2013/NĐ-CP, dự thảo Luật quy định về thủ tục hành chính “điều chỉnh dự án” để đảm bảo việc triển khai dự án sẽ được kiểm soát tốt, mặc dù đặc thù của Dự án thường kéo dài nhiều năm, nhiều lần điều chỉnh. Thực tiễn cho thấy nhiều dự án đô thị trong quá trình triển khai đã điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, thay đổi các chỉ tiêu mật độ dân số, gây quá tải hạ tầng đô thị để lại nhiều hệ lụy cho công tác phát triển đô thị, tác động tiêu cực đến điều kiện của người dân.
Dự thảo Luật quy định các trường hợp được phép điều chỉnh dự án và trình tự lập, thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án.
Để đảm bảo quyền lợi người dân khi sống trong các khu đô thị phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng đô thị, dự thảo Luật quy định về điều kiện nghiệm thu công trình hạ tầng xã hội và nhà ở sau khi nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật; quy định về trách nhiệm quản lý và vận hành các công trình cung cấp dịch vụ đô thị gắn với thủ tục chuyển giao quản lý hành chính dự án và phải được quyết định trong quyết định chấp thuận dự án.
Như vậy, dự thảo Luật chỉ quy định 03 thủ tục hành chính: Thủ tục “chấp thuận dự án”, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án; Thủ tục “điều chỉnh dự án”, quy định về phát sinh, thay đổi nội dung đầu tư; Thủ tục “bàn giao quản lý hành chính”, quy định về giai đoạn kết thúc dự án.