“Lạm phát quy hoạch”
Phát biểu tại Quốc hội trong Kỳ họp vừa qua, Đại biểu (ĐB) Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng nhìn nhận một cách khách quan, công tác quy hoạch của nước ta thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; số lượng quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch lại hạn chế, hiệu quả, hiệu lực chưa cao.
Quy hoạch không gắn với nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi liên kết dẫn đến chồng chéo. “Từ năm 2011-2014, mỗi tháng cả nước có trên 358 quy hoạch được lập và phê duyệt. Năm 2015 mỗi tháng có trên 75 quy hoạch được lập và phê duyệt, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 được thực hiện trong các năm qua lên đến con số 13.767 quy hoạch. Đó là con số quá lớn và đã tiêu tốn của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng” – ĐB nêu dẫn chứng.
Trong khi đó, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) lại cho rằng tình trạng “trăm hoa đua nở”, “lạm phát quy hoạch” xảy ra thời gian qua là do chúng ta chưa có quy hoạch theo đúng nghĩa. Các bộ, ngành và địa phương tổ chức lập quy hoạch mà không có sự thống nhất, tích hợp, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) lại nhận định quy hoạch ở Việt Nam “quá lạc quan”, tương lai thì vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp nhưng khi thực hiện lại không được như vậy dẫn đến lãng phí tài nguyên nhà nước. “Ví dụ, nhiều khu đô thị không có người ở, những người nông dân thì mất đất vẫn chưa tìm được sinh kế mới, trong khi bất động sản tồn đọng rất nhiều” – ĐB chỉ ra.
Từ những nhận định đó, các ĐB đều nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch để tạo hành lang pháp lý thống nhất, tạo quy hoạch trên cả nước, ban hành quy chuẩn chung cho công tác quy hoạch của chúng ta về sau.
Khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch
Đi sâu vào phân tích thực trạng của công tác quy hoạch, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng trên thực tế thời gian qua đã xảy ra tình trạng xây dựng, quy hoạch kém chất lượng, quy hoạch bị lái theo lợi ích nhóm hoặc bị điều chỉnh một cách tùy tiện, làm thiệt hại cho Nhà nước và doanh nghiệp, gây bất bình trong nhân dân.
“Ví dụ, có những con đường đang thẳng mà được quy hoạch, điều chỉnh để biến thành cong và cong mềm mại” – ông nói. Do vậy, ĐB đề nghị Luật Quy hoạch cần tập trung vào việc ngăn cấm các hành vi lũng đoạn quy hoạch, lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch của nhiệm kỳ trước. “Phải khắc phục triệt để lợi ích nhóm trong quy hoạch bằng việc xác lập các chế tài ràng buộc đối với người phê duyệt, trách nhiệm là liên tục, kể cả khi đã về hưu vẫn bị xử lý” – ĐB nhấn mạnh.
Đồng tình với việc Dự thảo Luật đã đưa ra 8 điều cấm trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch vì đây là việc hết sức cần thiết để ngăn chặn các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc quy hoạch để làm sai nhưng ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho biết ông chưa hài lòng ở việc Dự thảo Luật chưa đưa ra được những chế tài để xử lý các tổ chức và cá nhân vi phạm các điều cấm.
“Hiện nay, chúng ta có nhiều luật, nhiều quy hoạch nhưng khi thực hiện thì nửa vời. Đây là việc hơi phổ biến. Do đó, để thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch thì ngoài điều cấm chúng ta phải quy định nếu vi phạm thì phải xử lý như thế nào cho rõ ràng để tất cả các tổ chức, cá nhân không dám vi phạm” – ông nói.
Tránh thường xuyên thay đổi quy hoạch
Nhiều ĐB cũng đề xuất chú ý đến quy định để đảm bảo tính ổn định của quy hoạch. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng một số quy hoạch lĩnh vực như phát triển giao thông, quy hoạch đô thị… cần phải có tầm nhìn xa hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là giai đoạn phát triển rất nhanh chóng về khoa học, công nghệ hiện nay và tương lai để tránh lãng phí hoặc phá hủy không gian, có thể gây tác hại đến các giai đoạn sau.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) chỉ ra thực tế việc lập, phê duyệt, triển khai quy hoạch ở nước ta thường rất chậm. Có những quy hoạch cho một thời kỳ nhưng khi được phê duyệt đã đi được 1/3, phê duyệt xong đã không còn phù hợp và phải điều chỉnh. Khi điều chỉnh quy hoạch thì các dự án lại phải chờ đợi, khiến nhiều quy hoạch “treo” không được thực hiện và nhiều công trình thực hiện dở dang phải tạm dừng đợi điều chỉnh quy hoạch hoặc nếu cứ triển khai thì rơi vào tình trạng không theo quy hoạch và bị xử lý gây lãng phí lớn cho xã hội.
Từ đó, ĐB đề nghị quy định thời kỳ quy hoạch tối thiểu chung cho các loại quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn là 30 năm; quy hoạch ngành, vùng phải có tầm nhìn 50 năm. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm để đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế và trong đầu tư phát triển không bị động, không sợ thay đổi. Quy định dài như vậy cũng tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo đánh giá dài hạn, đồng thời phải có sự đầu tư công phu cho công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá.
ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, làm rõ hơn các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch tại Điều 4 để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định, tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch; tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi, phá vỡ quy hoạch như trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, ĐB Tuân còn đề nghị bổ sung thêm quy định các quy hoạch có liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư cần được công bố công khai rộng rãi để nhân dân có điều kiện theo dõi, tham gia giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời, ông cũng đề nghị bổ sung quy định về chế tài xử phạt trong trường hợp không công bố công khai hoặc thông tin không chính xác, đầy đủ về các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.