Dự án 6 năm vẫn nằm trên giấy?
Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải bài viết “Cần Đước, Long An, người dân khốn khổ vì bị quy hoạch kéo dài” phản ánh tình trạng hàng chục, thậm chí cả trăm hộ dân sống mòn vì dính quy hoạch kéo dài. Theo phản ánh trong bài viết không chỉ người dân mà bao gồm cả những doanh nghiệp nhỏ, những cơ sở sản xuất kinh doanh cũng lâm vào tình trạng tê liệt, đình đốn vì dự án đã gần 6 năm vẫn đang nằm trên giấy.
Trong khi người dân khốn đốn vì đất đai bạc màu, hoang hóa, doanh nghiệp thì đình đốn vì phải chịu những “chế tài con”, những yêu cầu phi lý từ phía chính quyền… Thì trái lại, chủ đầu tư là Công ty TNHH SX&TM thép Savi (Cty Savi) lại được chấp thuận đầu tư khi mới thành lập chưa đầy 1 năm với nhiều ưu ái.
Theo hồ sơ dự án và bảng công bố thông tin dự án trên địa bàn xã Long Sơn. Dự án Cụm công nghiệp Savi được UBND tỉnh Long An chấp thuận chủ trương đầu tư theo QĐ số 489/QĐ-UBND vào ngày 02/02/2016. Đến 19/10/2018 UBND tỉnh Long An ra QĐ số 3802/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Savi, giao cho Cty Savi làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án trên diện tích khoảng 50ha với tổng vốn đầu tư 628 tỉ đồng. Cũng tại QĐ này thể hiện, Cty Savi có địa chỉ tại Ấp 1 xã Mỹ Yên, Bến Lức, Long An do ông Nguyễn Duy Quang làm người đại diện pháp luật. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 1101788452 do Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Long An cấp lần đầu ngày 26/03/2015.
Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư (tức ngày 02/02/2016). Dự án sẽ được đưa vào hoạt động và tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào 12/2021. Chủ đầu tư phải thực hiện ký quỹ, nộp tiền bảo vệ đất, phát triển đất trồng lúa và bảo vệ môi trường…
Chỉ cách nhau chưa đầy 1 năm tỉnh Long An phê duyệt cho doanh nghiệp mới thành lập 2 dự án lên tới 85ha đất |
Tuy nhiên chưa đầy 02 tháng, vào ngày 21/12/2018 UBND tỉnh Long An đã ban hành QĐ số 4859/QĐ-UBND để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung 1 số nội dung của QĐ số 3802/QĐ-UBND.
QĐ số 4859 sửa đổi khoản 8 Điều 1; điểm d khoản 2 Điều 2 điều chỉnh thời gian đưa dự án đi vào hoạt động vào tháng 12/2020 và điều chỉnh việc ký quỹ của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2014.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Long An cũng yêu cầu “…Các sở ban ngành và UBND huyện Cần Đước theo dõi, đôn đốc hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án. Thông tin kịp thời cho Sở Công thương kịp thời giải quyết… nếu vượt quá thẩm quyền thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh giải quyết”.
Mặc dù được UBND tỉnh Long An và các sở ban ngành, đặc biệt là UBND huyện Cần Đước chỉ đạo, đốc thúc, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện dự án, nhưng thực tế cho đến thời điểm hiện tại Cụm Công nghiệp Savi vẫn đang nằm trên giấy.
Theo ông Dương Văn Hoàng Hoanh – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An: “Dự án đã hoàn thành đo đạc cắm mốc mặt bằng. Ngày 30/07/2021 UBND tỉnh có QĐ số 7568/QĐ-UBND phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất bồi thường, chính sách hỗ trợ tái định cư dự án Cụm công nghiệp Savi”.
Nhiều khuất tất trong quá trình thực hiện dự án
Cũng theo Sở Công thương, đến ngày 15/12/2021 vừa qua UBND huyện Cần Đước mới ban hành QĐ số 10066/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ dự án Cụm công nghiệp Savi. “Hiện nay Cty Savi đang phối hợp với Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Cần Đước, UBND xã Long Sơn tiến hành chi trả tiền cho người dân” ông Hoanh cho biết.
Số liệu từ Sở Công thương tỉnh Long An cũng cho thấy, trong khu vực triển khai dự án có 142 hộ dân bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác là họ bị thu hồi hoàn toàn phần đất đai nhà cửa để thực hiện dự án. Thế nhưng chỉ sau khi UBND huyện Cần Đước phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất theo QĐ số 10066/QĐ-UBND ngày 15/12/2021 vừa qua thì ngay lập tức Xã đã phối hợp với doanh nghiệp để chi trả tiền mà không cần sự đồng thuận về phương án đền bù của người dân.
Điều khiến cho người dân và doanh nghiệp thắc mắc và tỏ ra hoài nghi đó là hơn 140 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu sẽ đi đâu về đâu, sẽ sinh sống như thế nào khi bi mất đất? Đó là chưa kể, có hàng chục hộ dân vì không chịu được cảnh quy hoạch kéo dài đã bỏ đi trước đó?
Trong khi đó, Luật đất đai 2013 quy định: Các trường hợp thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội do Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện bao gồm: Các dự án xây dựng công trình sự nghiệp công cấp địa phương (Điểm a Khoản 3 Điều 62 Luật đất đai); Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương (Điểm b Khoản 3 Điều 62 Luật đất đai). Dự án hạ tầng kỹ thuật thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ sản xuất, kinh doanh (Điểm d Khoản 4 Điều 39 Luật đất đai); Dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn (Điểm d Khoản 3 Điều 62 Luật đất đai). Dự án xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn thì phải đồng thời xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ sản xuất, kinh doanh (Điểm d Khoản 4 Điều 39 Luật đất đai);
Theo đó, Trình tự, thủ tục thu hồi đất được quy định cụ thể tại Điều 69 Luật Đất đai và được tiến hành trình tự theo 10 bước: Đầu tiên là xác định chủ trương thu hồi đất và chuẩn bị hồ sơ địa chính; Trình chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; Xây dựng, phê duyệt kế hoạch thu hồi đất; giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. (Trung tâm Phát triển quỹ đất phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện dự thảo kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
Nhiều hộ dân không chịu nổi cảnh quy hoạch kéo dài đã bỏ đi vì đất đai hoang hóa |
Nội dung kế hoạch phải bao gồm các nội dung theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Nội dung Thông báo thu hồi đất phải bao gồm các nội dung theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ); Thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Thông báo thu hồi đất; Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Hoàn chỉnh, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quyết định thu hồi đất: Đăng ký kế hoạch vốn hàng năm; Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án được duyệt; Quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng…
Như vậy với cách phản hồi thông tin về dự án của Sở Công thương tỉnh Long An, cách xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ của UBND huyện Cần Đước có phù hợp với các quy định của pháp luật?
Việc một doanh nghiệp chỉ thành lập chưa tròn một năm với nhiều hoài nghi về hồ sơ năng lực cũng như năng lực tài chính lại được UBND tỉnh Long An giao thực hiện 2 dự án liên tục. Trong khi hàng trăm hộ dân mất đất thì không rõ phương án bồi thường hỗ trợ và bố trí tái định cư? trái lại doanh nghiệp lại tiếp tục được ưu đãi giao không dự án mang danh “Khu dân cư chỉnh trang kết hợp”… Việc giao đất có thông qua đấu giá, có gây thất thoát ngân sách, có đúng trình tự quy định?
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin.