Tuy nhiên, giữa ma trận thông tin và sự xuất hiện có phần ồ ạt của hàng loạt dự án nhà ở tại khu vực phía Tây như hiện nay, để tìm cho mình một căn hộ vừa ý về kiến trúc, lại nằm trong khu vực được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, tiện lợi về giao thông lại chưa bao giờ là chuyện dễ dàng với người mua nhà.
Lợi thế so sánh
Nếu nói “bất động sản phía Tây Hà Nội” phải kể đến sự trải rộng của một chuỗi các đô thị, dự án chạy dọc khu vực từ Tây Hồ Tây cho đến trung tâm quận Hà Đông. Bán kính của khu vực này trải dài khoảng 20km, với diện tích chiếm xấp xỉ ¼ diện tích toàn Thành phố.
Khoảng dăm bảy năm trước, ngay cả khi khu vực phía Tây chưa định hình rõ nét, thì các dự án nằm trong chuỗi đô thị này vẫn được giới đầu tư lẫn khách hàng đánh giá cao về tiềm năng cũng như những lợi thế về hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Còn gần đây, sau khi tuyến đường trên cao vành đai 3 được đưa vào khai thác, hàng loạt tuyến đường huyết mạch như Tố Hữu, đường 70, Vạn Phúc, Lê Trọng Tấn…được đầu tư mở rộng thì khu vực này cũng dần được nhiều người mua nhà để mắt tới bởi những tiện lợi về giao thông, hạ tầng được đầu tư để phục vụ các cư dân trong khu vực.
Đơn cử như trên tuyến đường Tố Hữu (Lê Văn Lương kéo dài), bên cạnh các dự án nhà ở được đầu tư thì hàng loạt các công trình tiện ích cũng mọc lên với một tốc độ “chóng mặt”. Một số trung tâm thương mại, công viên, hồ điều hoà cũng đã và đang được thành phố cùng các nhà đầu tư gấp rút hoàn thành.
Gần đây nhất là Trường quốc tế Nhật Bản - ngôi trường Nhật đầu tiên tại Hà Nội đã chính thức được đưa vào hoạt động ngay trên mặt đường Tố Hữu, gần ngã tư Vạn Phúc.
“Khi nói đến các dự án phía Tây Hà Nội thì ai cũng hiểu chung chung, do đó, nếu không chịu khó tìm hiểu và thị sát kỹ các khu vực cụ thể thì sẽ rất khó để tìm cho mình một dự án có hạ tầng, tiện ích đồng bộ. So với khu vực phía Tây của Hà Nội cũ, tức các dự án khu vực Trung Hoà - Nhân Chính, thì các dự án nằm trên trục Lê Văn Lương kéo dài và các khu vực lân cận hiện nay có lợi thế về hạ tầng rõ rệt gấp nhiều lần”, một khách hàng mua nhà nhận xét.
Trong khi đó, không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt dự án của các nhà đầu tư có tên tuổi lại tập trung về khu vực này. Trong số tuyến đường chính của khu vực phía Tây hiện nay, dường như khu vực ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu đang là “nóng” nhất với sợ góp mặt của hàng loạt dự án như: Hanoi Landmark 51, An Thái Tower, Galaxy Him Lam, trong đó chung cư cao cấp Hanoi Landmark 51 ngay cạnh ngã tư đang được xây tới tầng 15 với nhiều tiện ích đi kèm như bể bơi, trung tâm thương mại, trường học.
Còn nếu xuôi xuống theo hướng vào trung tâm thành phố có nhiều dự án cũng thu hút được khách hàng, trong khi ngược về hướng Tây là hàng loạt dự án từng một thời gây sốt trên thị trường như: Usilk City, HP Landmark, An Hưng…
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận xét, không chỉ được hưởng lợi về hạ tầng, giao thông, khách mua nhà tại các dự án dọc hoặc xung quanh trục Lê Văn Lương - Tố Hữu sẽ có được sự an tâm về nền địa chất tương đối chắc chắn, đồng thời cũng là khu vực có nền đất tương đối cao, ít có khả năng xảy ra ngập lụt.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Đông chia sẻ, các dự án xoay quanh ngã tư Tố Hữu - Vạn Phúc thời gian gần đây được nhiều khách hàng hỏi mua. Theo vị này, tất cả gần chục dự án bất động sản khu vực này đều có thanh khoản tốt nhờ vào sự đồng bộ về hạ tầng, tiện ích hiện hữu, nhiều toà nhà dịch vụ liên tiếp mọc lên.
“Với những dự án ở khu vực khác, chúng tôi phải giới thiệu với khách hàng qua sơ đồ, bản vẽ quy hoạch, nhưng riêng các dự án khu vực Lê Văn Lương kéo dài, quanh ngã tư Vạn Phúc - Tố Hữu thì chúng tôi có thể dẫn khách hàng xuống thực địa trực tiếp. Đa số khách hàng sau khi xem xong đều cảm nhận được sự phát triển nhanh chóng và đồng bộ về hạ tầng của khu vực này”, vị này nói.
Có nên đầu tư?
Theo kinh nghiệm của giới đầu tư, bất kỳ một khu vực nào có hạ tầng đồng bộ thì y rằng, các dự án tại đó đều xuất hiện “sốt nóng”. Hơn 5 năm trước, cũng trên trục đường này, các dự án Dương Nội, Usilk City đã xảy ra tình trạng phải bốc thăm quyền mua căn hộ.
Còn mới đây nhất, tình trạng “cháy hàng” ngay trong lần mở bán đầu tiên cũng đã xảy ra tại một số dự án khu vực này, đơn cử như dự án Hanoi Landmark 51, Ecolife Capitol, FLC Garden…
Ngọn nguồn của sự sốt nóng tại các dự án quanh khu vực này trước hết là do yếu tố về vị trí, hạ tầng kỹ thuật. Khảo sát nhanh của một doanh nghiệp bất động sản mới đây, cho thấy hầu hết người mua nhà quanh khu vực này đều trả lời, họ lựa chọn là do những lợi ích lâu dài, thay vì giá cả như nhiều năm trước.
Song, trong một khảo sát tương tự về mục đích, đa phần người mua nhà đều khẳng định họ sẽ dành cho mục đích “để ở” chứ không phải để “đầu cơ”.
Ông Ngô Mạnh Hùng - một nhà đầu tư nhìn nhận, hầu hết các dự án quanh khu vực Hà Đông, dọc tuyến đường Tố Hữu - Vạn Phúc đều là dự án nằm trong vùng có hạ tầng tốt, mức giá hợp lý so với khu vực khác nên mua nhà tại khu vực này cho mục đích ở hay đầu tư đều có lợi.
Giám đốc sàn bất động sản Phú Quý Land Nguyễn Mạnh Hà cho hay, có những dự án khu vực Lê Văn Lương, Trung Văn…chỉ cần mua vào, một tháng sau bán ra, nhà đầu tư đã có thể kiếm lời hàng trăm triệu đồng. Do đó, việc lướt sóng hay đầu tư dài hạn là tuỳ thuộc vào dòng vốn và sự lên xuống thất thường của thị trường, từ đó nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định phù hợp cho mình.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua tại Thông báo số 83 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, thì hai làng nghề nổi tiếng Vạn Phúc và Bát Tràng được thành phố quy hoạch đồng bộ, kết hợp phát triển du lịch, sẽ là động lực và là cơ hội để giá bất động sản tại khu vực này tăng trong thời gian tới.
Làng nghề nổi tiếng Vạn Phúc và Bát Tràng được thành phố quy hoạch đồng bộ, kết hợp phát triển du lịch.
|