Chúng tôi đến thăm nhà khi chị Thoại vừa xong việc vắt sữa bò. Chị Thoại vui vẻ cho hay: “Tôi nuôi bò sữa được gần 10 năm rồi. Nhớ năm 2005, thông qua sinh hoạt làng xóm, tôi được NHCSXH cho vay 5 triệu đồng theo chương trình tín dụng hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (SXKD VKK). Từ đồng vốn vay đó cùng với vốn của nhà tích cóp được, tôi mua một con bò thịt. Sau 3 năm, bò sinh sản, tôi bán bò để trả tiền vay. Lúc này, thấy thôn có nguồn tiêu thụ sữa ổn định, gia đình chúng tôi quyết định vay tiếp NHCSXH 10 triệu đồng để mua một con bò sữa. Cứ trả rồi lại vay, vay rồi lại trả chăm chỉ đầu tư, năm 2008 gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Hiện nay, chuồng nhà chị có 4 con bò cho sữa, mỗi ngày vắt 250 kg sữa. Với giá bán gần 15.000 đồng/kg sữa, mỗi tháng chị Thoại có nguồn thu nhập khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí chị còn bỏ túi 15 triệu đồng. Cũng như nhiều hộ ở xã Vân Hòa, chị Thoại cho rằng, tuy số vốn vay không nhiều, nhưng với thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, phục vụ tận xã, lãi suất thấp, NHCSXH đã gỡ khó cho các hộ nuôi bò sữa rất nhiều.
Nhờ sức bật từ đồng vốn NHCSXH, giờ đây cuộc sống gia đình chị ổn định hơn, các con chị cũng được học hành đầy đủ. Năm 2013, hai người con của chị lần lượt đỗ đại học. Qua đó, những khoản tiền vốn chính sách chương trình học sinh sinh viên (HSSV) tiếp tục đến tay chị.
Tới nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách của gia đình chị Thoại là hơn 88 triệu đồng. “Nhìn thấy các con được học hành, sẽ có tương lai tốt hơn cha mẹ, vợ chồng tôi có động lực tiếp tục chăm chỉ chăn bò, trồng cỏ, đi làm phụ hồ để đảm bảo cuộc sống và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng”.
Cùng chung quan điểm với chị Thoại, vợ chồng anh Nguyễn Văn Duẩn và chị Đỗ Thị Thương ở thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội chia sẻ: “Cũng nằm trong diện hộ nghèo, năm 2009 gia đình tôi được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng. Từ đồng vốn này chúng tôi mua một con bò sữa đang trong quá trình khai thác sữa. Thời điểm đó, bò có bệnh chỉ cho ra 10kg sữa/ ngày, nhưng có được kiến thức học thú y đồng thời vận dụng các kĩ thuật chăm sóc tốt, sau đó bò khỏi bệnh và cho sữa 35kg/ ngày. Chăm chỉ làm ăn, hiện nay gia đình tôi cũng có 4 con cho sữa, mỗi ngày 250 kg và gia đình anh thoát nghèo năm 2015”.
Anh Duẩn cho hay, sau khi thoát nghèo nhưng vẫn muốn vay thêm vốn chính sách để phát triển kinh tế, năm 2015, gia đình anh được NHCSXH cho vay thêm 30 triệu đồng để tiếp tục kinh doanh.
Bà Hoàng Thị Hạnh – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì - cho biết, riêng trong 7 tháng đầu năm 2017, thông qua 12 chương trình tín dụng chính sách, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Vì đã thực hiện cho vay trên 2.600 lượt hộ, tạo việc làm mới cho trên 800 lao động, giúp cho 2.233 lượt hộ sống tại vùng khó khăn có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sửa chữa, cải taọ trên 1.110 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, hỗ trợ trang trải chi phí học tập cho trên 500 sinh viên theo học tại các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (tỷ lệ hộ nghèo của huyện Ba Vì giai đoạn 2000-2005, giảm từ 19,4 % năm 2000 xuống còn 18,13% năm 2005; giai đoạn 2011-2015, giảm từ 11,2 % năm 2011 xuống còn 5,96% năm 2014, giảm từ 11,4% xuống còn 7,35 %), đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới.