Di sản thế giới nối dài đầu tiên của Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Tuân, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hải Phòng cho biết, hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới nối dài Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xây dựng trên 4 tiêu chí bao gồm: Địa chất học, mỹ học, đa dạng về giống loài, đa dạng về sinh thái. Nếu được ghi danh, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà sẽ trở thành Di sản thế giới nối dài đầu tiên của Việt Nam, có sự liên kết quản lý chung của hai địa phương.
Một trong những yếu tố thể hiện đầy đủ các giá trị nổi bật toàn cầu của “tuyệt phẩm” thiên nhiên này là 775 hòn đảo thuộc Vịnh Hạ Long và 358 hòn đảo thuộc Quần đảo Cát Bà, trải dài trên diện tích vùng lõi là 65.650 ha và được bao quanh bởi vùng đệm rộng 34.140 ha.
“Di sản nằm trong khu vực diễn ra các hoạt động du lịch, giao thông cảng biển, đánh bắt hải sản và các hoạt động dân sinh khác của cộng đồng dân cư đang sinh sống, kinh doanh trên biển và quần đảo. Tuy nhiên, những hoạt động này hiện được kiểm soát và quản lý chặt chẽ. Do đó, cảnh quan thiên nhiên, các giá trị thẩm mỹ, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và những nét đặc trưng tiêu biểu như các đảo đá, hang động trong khu Di sản vẫn được duy trì và bảo tồn nguyên vẹn”, ông Tuân khẳng định.
Cách đây 5 năm, ngày 12-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc xây dựng hồ sơ đề cử mở rộng không gian Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đến quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới. Sau một chặng đường dài chuẩn bị, ngày 28-1-2021, Hải Phòng và Quảng Ninh đã đệ trình thành công Hồ sơ đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới.
Đúng như kỳ vọng, ngày 1-3-2021, Trung tâm Di sản thế giới đã công nhận: “Hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (Việt Nam) đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về tính hoàn chỉnh đối với đề cử ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới và đề nghị bổ sung một số tài liệu”.
Từ ngày 29/10 đến ngày 5-11-2021 vừa qua, TS Ellen Ulrika Aberg, Chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) đã hoàn thành chuyến thực địa tại khu vực đề cử. Chính quyền Hải Phòng và Quảng Ninh đã thực hiện tốt các yêu cầu, đề nghị, khuyến nghị theo chuyên gia trong suốt quá trình khảo sát thẩm định. Sau chuyến thực địa, IUCN đã có thư khuyến nghị đề nghị cung cấp các thông tin bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan đến hồ sơ đề cử.
Cơ hội thiết lập thương hiệu du lịch quốc tế
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, trước 28-2-2022 là thời hạn cuối cùng để quốc gia thành viên bổ sung giải trình làm rõ các vấn đề liên quan đến hồ sơ đề cử theo yêu cầu của Cơ quan Tư vấn IUCN. “Chúng tôi cũng rất hồi hộp chờ đợi sự kiện IUCN đưa ra khuyến nghị cuối cùng trình Ủy ban Di sản thế giới dự kiến được tổ chức tại Kazan, Liên bang Nga từ 19 – 30-6-2022”, ông Nam chia sẻ.
TS Ellen Ulrika Aberg, Chuyên gia của IUCN đã hoàn thành chuyến thực địa tại khu vực đề cử. |
Để tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình đề cử di sản, điều quan trọng nhất là sự đồng hành của người dân Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà, các tổ chức, cộng đồng địa phương trên con đường gìn giữ và bảo tồn di sản. Việc thay đổi tư duy của người dân trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản được xem là giải pháp mang tính bền vững nhất.
Về phía chính quyền, UBND TP Hải Phòng cũng như tỉnh Quảng Ninh nỗ lực hoàn thiện trọng trách vận động các quốc gia thành viên tại Ủy ban Di sản thế giới UNESCO bỏ phiếu ủng hộ cho đề cử. Trong đó, lãnh đạo hai địa phương sẽ tổ chức tiếp xúc giám đốc UNESCO tại Việt Nam và 21 đại sứ các nước là thành viên tại Hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO; tổ chức các hoạt động truyền thông trong nước và quốc tế thông qua phương thức truyền thông đa phương tiện…
Hiện, một số vấn đề phía IUCN quan tâm về các thách thức mà khu vực đề cử đang phải đối mặt bao gồm những thách thức về ô nhiễm môi trường trên đất liền, trên biển và chất lượng nước không đảm bảo cũng như các thách thức về quản lý hiện có. Phía IUCN mong muốn hai địa phương sẽ tăng cường hiệu quả tiếp cận các thách thức khi mở rộng khu vực di sản và đặc biệt là cách tiếp cận chung từ UBND hai địa phương trong việc bảo tồn hiệu quả khu vực đề cử.
Đặc biệt, IUCN đề xuất có thể tiến hành thực hiện đánh giá sức tải cho toàn bộ khu vực vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà và nếu cần thiết, đưa ra giới hạn hoặc giảm mức độ du lịch dự kiến phù hợp với nghiên cứu.
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, thời gian tới, UBND TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị quốc tế tham vấn ý kiến của bộ, ngành Trung ương liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, đặc biệt là nội dung liên quan đến mô hình quản lý đối với di sản, cơ chế phối hợp quản lý di sản liên tỉnh và các chính sách liên quan của hai địa phương.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng chia sẻ, Hải Phòng và Quảng Ninh đang chờ đợi sự kiện quan trọng này. Sự kiện đón nhận Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng gắn với trách nhiệm lớn lao là làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, các vấn đề về ô nhiễm môi trường do phát triển du lịch, bài toán quản lý chung giữa hai địa phương… Đối với TP Hải Phòng, việc đón nhận Di sản Thiên nhiên thế giới này là cơ hội thiết lập một thương hiệu du lịch quốc tế, đúng với chiến lược được Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, là cơ hội cho Hải Phòng tạo sức lan tỏa phát triển du lịch vùng trong tương lai gần…