Vì sao Quảng Ngãi xem xét xóa bỏ 296 dự án?
Thống kê của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 103 dự án(tương đương 44.8 nghìn lô đất); cấp chấp thuận chủ trương khảo sát cho 296 dự án khu dân cư, khu đô thị (tương đương hơn 4.6 nghìnha đất) cho các nhà đầu tư. Chỉ chưa đến 36 tháng (từ năm 2017-2019), gần 100 DA được cấp phép và phê duyệt với tổng vốn đầu tư khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng.
Riêng phần diện tích đất nhà ở thương mại (để bán) trên 612ha. Đặc biệt, theo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011-2017 có 32/48 dự án và riêng năm 2018 có 27/27 dự án được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi quyết định chủ trương đầu tư nằm ngoài chương trình phát triển nhà ở được HĐND tỉnh thông qua.
Tình trạng ồ ạt cấp phép khu dân cư đang gây ra rất nhiều bức xúc từ phía người dân. Đặc biệt có hàng chục dự án được cấp phép trên đất nông nghiệp với mức đền bù rất thấp nhưng không triển khai khiến người dân không có đất sản xuất. Điển hình như dự án Khu Thương mại - Dịch vụ Vina Universal Paradise Sơn Tịnh do Công ty CP Đầu tư Khu Du lịch - Phim trường Vina làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất được duyệt 56,5 ha, tổng mức đầu tư 1.196 tỉ đồng. Thế nhưng, dự án bỏ hoang nhiều năm nay.
Tương tự, dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Ánh Vân của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Trúc Vân được tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư năm 2017. Quy mô dự án khoảng 19 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 402 tỉ đồng; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành giai đoạn 1, cuối năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Đến nay, dự án chưa được triển khai thực hiện.
Tại Quảng Ngãi, có nhiều Dự án “chây ì” không triển khai. |
Trước đó, tại kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021 (diễn ra từ ngày 9 đến 11/12, các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay ở Quảng Ngãi có quá nhiều dự án khu dân cư, đô thị được cấp phép, trong khi nhu cầu thực tế của người dân thấp. “Chúng ta đang kêu gọi phát triển thương mại, dịch vụ, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế để đưa tỉnh nhà đi lên. Nhưng trong những năm qua, rất nhiều diện tích quỹ đất dành cho việc này đang bị thu hẹp, cấp phép cho các dự án khu dân cư, đô thị. Như vậy, lấy đâu ra quỹ đất để làm những dự án kinh tế”, đại biểu nêu ý kiến.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận, tình trạng cấp phép dự án khu dân cư hiện nay cung vượt cầu. TP. Quảng Ngãi hầu như không còn quỹ đất. Có trường hợp nhà đầu tư muốn xây dựng một nhà hàng cao cấp khoảng 3.000 - 5.000 m2 tại TP. Quảng Ngãi, ông giao Phòng Quản lý đô thị khảo sát tìm địa điểm nhưng không ra.
Tất cả đất đai đều đã có chủ trương khảo sát và cấp chủ trương đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư, đô thị. Thậm chí có những vị trí chấp thuận cho nhiều nhà đầu tư chồng lên nhau. Tại kỳ họp này, ông Đặng Văn Minh khẳng định sẽ giải quyết các vướng mắc để khơi thông các nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai, tăng nguồn thu từ 24 nghìn tỉ đến 26 nghìn tỉ đồng.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã giao các sở, ngành xem xét, tham mưu xóa bỏ 296 dự án khu dân cư, khu đô thị đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, không làm, bỏ hoang; phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển chung.
Lại có dự án dính lùm xùm kiện cáo... |
“Đối với 296 dự án về khu dân cư, khu đô thị đã chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh cho phép khảo sát lập dự án, UBND tỉnh đang giao cho các sở, ngành tham mưu chủ tịch UBND tỉnh hủy bỏ tất cả dự án này, trả về trạng thái ban đầu vốn có của nó. Chắc chắn việc này sẽ đụng chạm lợi ích nhiều doanh nghiệp, nhiều người nhưng vì việc chung, chúng ta phải giải quyết, không để kéo dài”, ông Đặng Văn Minh kiên định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn những dự án khu dân cư được chấp thuận chủ trương khảo sát, chủ trương đầu tư đều do lãnh đạo nhiệm kỳ 2015 - 2020 (do ông Trần Ngọc Căng làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã hưu) cấp phép; 8 DA do Văn phòng UBND tỉnh ban hành; 38 DA do UBND các huyện, thị xã và thành phố lập hồ sơ đề xuất; 23 DA do BQL Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh đề xuất.
Điểm mặt các Dự án khiến thị trường BĐS “vỡ trận”!
Đầu năm 2020, thị trường bất động sản Quảng Nam chính thức vỡ trận với việc hàng ngàn người dân mua đất tại thị xã Điện Bàn (giáp ranh Đà Nẵng) kéo nhau đi đòi sổ đỏ, nhiều lần tìm đến gây áp lực với chính quyền và kiện cáo ra Tòa.
Thực tế này được xác nhận khi vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam công bố 70 dự án chưa đủ điều kiện giao dịch tại Khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Trong danh sách 70 dự án này, có nhiều dự án lớn đã được các sàn bất động sản phân phối ra thị trường trong thời gian qua như dự án DATQUANG Riverside, Khu Phố chợ Điện Ngọc (Giai đoạn II), Khu tái định cư và Quỹ đất đối ứng đường trục chính, Khu quỹ đất đối ứng đầu tư đường trục chính (khu I), Khu Phố chợ Điện Nam Bắc…của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng.
Cụ thể, 5 dự án này chưa được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng từ tháng 1/2018, Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng đã kết hợp với các công ty bất động sản, bán hàng, thu tiền đến 95%. Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng cam kết, chậm nhất đến quý 2/2019 sẽ hoàn thành đầy đủ các điều kiện pháp lý tại dự án Khu phố chợ Điện Nam Bắc để sản phẩm đủ điều kiện chuyển nhượng cho khách hàng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng tiếp tục trễ hẹn giao sổ đỏ. Hàng chục khách hàng kéo đến văn phòng công ty để đòi sổ đỏ và kéo đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam nhờ chính quyền can thiệp.
Tình trạng lình xình tại nhiều dự án khiến thị trường BĐS xứ Quảng ảm đảm... |
Đáng chú ý, có 13 dự án của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt và Công ty cổ phần Bách Đạt An (thuộc Công ty Bách Đạt). Doanh nghiệp này thời gian qua vướng nhiều lùm xùm tai tiếng liên quan đến các vụ kiện đòi sổ đỏ của người mua đất tại các dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Sự việc khiến Công ty Bách Đạt An và khách hàng mua đất dự án phải dắt nhau ra tòa, và trở thành giọt nước tràn ly khiến thị trường bất động sản Quảng Nam vỡ trận vào cuối năm 2019. Vào tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định xử phạt 600 triệu đồng đối với Công ty CP Bách Đạt An vì có vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra có thể kể đến những dự án khác chưa đủ điều kiện mở bán như: Khu đô thị số 11 của Công ty TNHH Chí Thành; Khu đô thị số 4 của Công ty Cổ phần Giao thông vận tải Quảng Nam; Khu Dân cư mới Thái Dương 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Thái Dương; Khu Đô thị số 6 của Công ty TNHH Chí Thành; Khu Đô thị số 9 của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Quảng Nam; Khu Đô thị Mỹ Gia, Khu Đô thị, Dịch vụ du lịch ven sông Cổ Cò…
Trước đó, riêng tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã có ít nhất 82 dự án nhà đất được cấp phép chỉ trong thời gian ngắn. Đến nay, đa số các dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Thậm chí, nếu triển khai dự án sẽ không khớp nối được thoát nước, giao thông giữa khu đô thị mới và khu dân cư hiện hữu. Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận điều này tại cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Nam hôm 8/12 vừa qua, khi trả lời chất vấn của các đại biểu.
Để ngăn khả năng tiếp tục “vỡ trận” bất động sản và sửa sai, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu giai đoạn 1, 2 và 3 trên cơ sở rà soát lại 3 phân khu và khớp nối 82 đồ án quy hoạch. Đến nay, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc mới điều chỉnh đồng bộ, 3 phân khu 1/2.000 này đã hoàn thiện đầy đủ từ quy hoạch, không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước của khu đô thị và khớp nối với khu dân cư hiện hữu.
Đối với 70 dự án không đủ điều kiện đã công bố, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thông tin để người dân được biết “chỉ giao dịch mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất với các lô đất của các dự án khu đô thị, khu dân cư khi đủ điều kiện quy định và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu, huy động vốn, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật nhà ở, pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng.