Ở một góc sân chùa, dưới tán cây bồ đề mát rượi có một vườn trẻ với đầy đủ đu quay, ngựa gỗ dành cho những đứa trẻ bị bỏ rơi được nhà chùa cưu mang. Bốn đứa trẻ đang vui chơi dưới sự chăm sóc của một sư cô: đứa nhỏ nhất được sư cô ẵm trong lòng, hai đứa lớn chừng 5-6 tuổi đang hướng dẫn một em bé hơn cùng chơi trò cưỡi ngựa…
Cách trung tâm TP Muôn Ma Thuột không xa, chùa Phước Điền tọa lạc tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được biết đến là ngôi chùa của các ni sư vì ở đó người tu hành đều là sư nữ. Chùa Phước Điền được đông đảo du khách đến thành phố cao nguyên lộng gió ghé thăm không chỉ bởi đây là ngôi chùa cảnh quan đẹp, linh thiêng mà còn “nổi tiếng” bởi nơi đây cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh.
Đó là những em bé bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc vừa mới chào đời, đã được người dân phát hiện đem gửi vào cửa Phật và được các sư cô trong chùa nuôi nấng, chăm bẵm, cho ăn học để có một cuộc sống bình thường như những em bé khác.
Sư cô Thích nữ Đức Anh (29 tuổi, ni sư tu tại chùa Phước Điền) cho biết: Cửa Phật từ bi luôn rộng mở với những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ, trước nay các thí chủ đến thăm chùa không phân biệt giàu nghèo, sang hèn đều được nhà chùa đãi cơm chay, thậm chí người lỡ đường có thể ở lại ít ngày.
Tuy nhiên, cơ duyên khiến nhà chùa nuôi nấng những đứa trẻ bị bỏ rơi bắt đầu từ năm 2010. Hôm đó một người dân đi làm rẫy tình cờ phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong ở rẫy cà phê, trên người cháu bé còn nguyên dây rốn.
Bà con vội bế bé vào chùa với mong muốn nhà chùa cưu mang cháu bé và cũng hy vọng đức Phật ban phép màu để cứu vớt số phận sinh linh không may mắn. Đón nhận cháu bé sơ sinh, mọi người và các sư cô đều xót xa khi thấy người bé đã bắt đầu tím tái, dính đầy đất đỏ, chắc hẳn người mẹ cháu bé phải có hoàn cảnh éo le, ngang trái lắm mới đành lòng vứt bỏ núm ruột của mình.
Chùa Phước Điền |
Sau khi được sơ cứu, các sư cô đã bế bé ra trạm y tế xã nhờ chăm sóc ban đầu. Vài ngày sau, cháu bé được đón về chùa để các phật tử và ni sư chăm sóc. Nhà chùa cũng đứng ra báo cáo sự việc đến chính quyền xã, đồng thời nhờ xã tuyên truyền, vận động ai là cha mẹ cháu bé thì đến đón bé về. Tuy nhiên, cả tháng trôi qua cho đến mãi sau này cũng không thấy ai qua nhận bé. Sư cô Thích nữ Khánh Đức - trụ trì chùa Phước Điền đã đứng ra làm giấy khai sinh cho bé, lấy họ nhà Phật đặt tên bé là Cù Minh Trí.
Hồi đó, biết tin nhà chùa “nhặt” được bé trai kháu khỉnh “từ trên trời rơi xuống”, có một số gia đình hiếm muộn đã tìm đến chùa đặt vấn đề xin bé làm con nuôi nhưng sư cô không đồng ý. “Nhà chùa đón được bé về từ buổi ban đầu đã là một cơ duyên nên không muốn giao cháu bé cho ai cả, trừ cha mẹ đẻ của cháu quay về nhận”- sư cô Khánh Đức giải thích ngắn gọn.
Cuộc sống nơi cửa chùa vốn thanh bần, các ni sư vốn chỉ có nước lã, cơm chay một lòng tụng kinh niệm Phật. Từ khi cưu mang thêm đứa trẻ còn trứng nước, để lo được sữa, tã cho cháu bé, tất cả trông chờ vào lòng hảo tâm của các phật tử và các mạnh thường quân.
Sư cô Khánh Đức cho biết: Nhờ Phật pháp nhiệm màu nên bé Trí dễ nuôi, hay ăn chóng lớn. Trẻ nhỏ thì không tránh được những khi “trái nắng trở trời”, những khi bé “khó ở” các ni sư chỉ cần hát những bài hát về phật pháp để cho cháu tâm an, thế là ngủ ngon lành…”. Cũng vì nương nhờ cửa Phật nên câu đầu tiên mà các bé được học nói chính là “A di đà phật, cứu nhân độ thế”.
Sau bé Cù Minh Trí, vào các năm sau chùa Phước Điền lần lượt đón thêm 3 cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi nữa, mà điều trùng hợp kỳ lạ tất cả đều là các bé trai. Sư cô trụ trì chùa Phước Điền là người đứng ra làm giấy khai sinh và đặt tên cho các bé, lần lượt là: Cù Minh Tuệ, Cù Minh Thông, Cù Minh Bảo. Gần đây nhất vào tháng 5/2016, một bé trai bị bỏ rơi ngay trước cổng chùa và được nhà chùa đón về nuôi đặt tên là Cù Minh Bảo, đến nay cháu Bảo đã 4 tháng tuổi.
Đu quay, cầu trượt được nhà chùa đặt trong bóng râm. |
Cứ như vậy, các sư cô chưa một lần làm mẹ trở thành người mẹ đỡ đầu của đám trẻ, là người chăm bẵm, nâng giấc cho các bé từ miếng ăn, giấc ngủ. Các sư cô cũng là người may vá quần áo, tự làm đồ chơi cho các bé bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm. Nhìn những đứa trẻ bụ bẫm, đùa nghịch vô ưu trong căn phòng sạch sẽ, tươm tất, không ai nghĩ rằng những đứa trẻ đẹp như thiên thần này lại bị chính cha mẹ của chúng bỏ rơi.
Cảm kích tấm lòng nhà chùa nhân từ, một nhà hảo tâm đã tài trợ cho các cháu bộ đồ chơi vườn trẻ gồm: đu quay, thú nhún, cầu trượt… Vậy là một vườn trẻ mini được hình thành ngay trong sân chùa Phước Điền, dưới tán cây bồ đề mát rượi, trong tiếng chuông chùa ngân nga trong chiều êm ả, các bé vừa vui chơi vừa ca hát.
“Nhờ Phật độ mà các bé đều dễ nuôi, lớn lên thông minh và ngoan ngoãn. Nay hai bé Cù Minh Trí và Cù Minh Tuệ đã đi hoc mẫu giáo và tiểu học, bé Cù Minh Thông hơn 2 tuổi đã biết chơi đồ chơi một mình, chỉ còn bé Cù Minh Bảo là còn phải ẵm”- sư cô Đức Anh cho biết.
Theo sư cô, vạn vật trong thế giới này đều có cơ duyên, việc các cháu bé được nhà chùa nuôi cũng do cơ duyên mà có. Nhà chùa đã và đang nuôi nấng các cháu trong điều kiện tốt nhất có thể, bảo đảm cho các cháu được chăm sóc, vui chơi, ăn học như những trẻ bình thường khác. Sau này khi các cháu đủ tuổi trưởng thành, tự các cháu sẽ lựa chọn và quyết định hướng đi cho cuộc đời mình - sư cô Đức Anh cho biết.
Bản thân sư cô Thích nữ Đức Anh vì có căn tu nên từ năm 14 tuổi (khi đó đang là nữ sinh lớp 9 ở TP Buôn Ma Thuột) đã xin gia đình cho vào chùa Phước Điền ở để học kinh kệ, giáo lý nhà Phật. Tại chùa, sư cô Đức Anh được vị sư trụ trì cho tiếp tục học hết lớp 12, sau đó theo học tập trung hệ trung cấp Phật học, tốt nghiệp xong quay trở về tu tại chùa cho đến nay.
Sư cô Đức Anh tâm sự thêm, từ khi tu tại chùa, sư cô được học may vá, học nấu các món cơm chay, được thấm nhuần các giáo lý nhà Phật về tình nhân ái bao la hỉ xả, về luật nhân quả ở đời để biết sống ngay thẳng, không tham, sân, si.
Được biết, xã Hòa Thắng nơi chùa Phước Điền tọa lạc là xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện tích tự nhiên toàn xã là 3.163ha, có 3.921 hộ (gần 17.000 dân) với 11 dân tộc anh em sinh sống. Tuy nằm trong TP Buôn Ma Thuột nhưng xã Hòa Thắng còn có nhiều buôn làng nghèo, bà con dân tộc chủ yếu sống bằng nghề nông, kinh tế còn nhiều khó khăn.
Bởi vậy, chùa Phước Điền cũng chính là địa điểm kết nối các du khách, nhà hảo tâm làm từ thiện đến các buôn làng còn khó khăn trong xã. Điển hình trong mùa Lễ Vu lan 2016, vào ngày 29/7/2016 Ban từ thiện Giáo hội Phật giáo TP Buôn Ma Thuột phối hợp với chùa Phước Điền đã đến thăm và chuyển quà từ thiện do các nhà hảo tâm trao tặng cho đồng bào Ê Đê tại Buôn Cour Kap (xã Hòa Thắng) và bà con dân tộc Mường, các cụ già neo đơn đã quy y Tam bảo tại chùa Phước Điền.