Vì thế, phía Tư vấn đã đưa ra nhiều gợi ý, có thể kết hợp với màu xanh nên phía ngân hàng này sau đó đã chọn màu “áo” mới của mình là vàng sữa.
Vì sao “chấm” nhà thầu ở Hải Phòng?
Sau khi PLVN đăng tải loạt bài về dự án thay đổi màu sơn các trụ sở thuộc Vietcombank, đại diện của Vietcombank cho hay, Dự án Sơn sửa mặt ngoài công trình, trụ sở chi nhánh Vietcombank - có 8 đơn vị tham gia dự thầu, và sau đó Công ty CP Xây dựng & Đầu tư Hạ tầng (trụ sở ở Hải Phòng) đã trúng thầu với tổng mức chi phí là 27 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi “Vì sao Vietcombank đưa thông tin mời thầu dự án này vào mục “Phi tư vấn”, phía đại diện ngân hàng nói: “Dự án sơn sửa mặt ngoài công trình trụ sở chi nhánh Vietcombank là hạng mục bảo trì, bảo dưỡng nên đăng ở mục “Phi tư vấn” trên hệ thống mạng là chính xác”.
Cũng theo Vietcombank, trụ sở chính của ngân hàng tại địa chỉ 198 Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã đi vào hoạt động khoảng 20 năm nay. Đến thời điểm có Dự án Sơn sửa mặt ngoài như đã nêu mới chính thức tiến hành bảo dưỡng, bảo trì lần đầu.
“Khi tiến hành bảo trì, bảo dưỡng cho trụ sở toà nhà Vietcombank, chúng tôi muốn kết hợp làm luôn trên toàn hệ thống để tiết kiệm chi, bởi khi đàm phán số lượng lớn thì chi phí chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều”, lời của vị đại diện Vietcombank.
Xung quanh việc này, cũng có ý kiến đặt vấn đề: Tại sao lại “chấm” một nhà thầu ở tận Hải Phòng rồi sau đó mang “quân” đi khắp cả nước sơn sửa mặt ngoài tất cả các trụ sở của Vietcombank thay vì để các chi nhánh tự thực hiện theo hướng dẫn của Vietcombank?
Về việc này phía ngân hàng nói, phương án trên đưa ra là nằm trong tính toán nhằm giảm chi phí cho Vietcombank. Theo đó, trên cơ sở “đề bài” đưa ra, các đơn vị dự thầu sẽ lên kế hoạch cụ thể, với phương án chi phí chính thức thực hiện hợp đồng, và sau đó Vietcombank sẽ ký hợp đồng khung thực hiện với nhà thầu nào có giá tối ưu nhất.
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao không giao việc sơn sửa cho các chi nhánh tự thực hiện mà lại hợp đồng với một đơn vị ở Hải Phòng (trong ảnh: Vietcombank Huế vừa được đổi màu sơn) |
Thừa nhận màu đỏ nổi bật nhưng vẫn làm theo Tư vấn
Theo hợp đồng khung này, dự án này sẽ được thực hiện trên toàn bộ các chi nhánh, nhưng chi phí có thể thay đổi nếu một số chi nhánh chưa thực hiện được việc sơn sửa.
Vietcombank cho hay, tuỳ thuộc vào từng chi nhánh, trụ sở để nhà thầu xoay vòng thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng vì có những toà nhà mới xây dựng, sẽ được để lại làm sau. Dự kiến, dự án này sẽ được thực hiện trong khoảng 2 năm.
Trả lời PLVN về lý do chuyển đổi màu sơn từ đỏ đô (rất dễ nhận biết và tạo sự khác biệt) sang màu vàng sữa, đại diện Vietcombank nói: “Màu thương hiệu của Vietcombank là màu xanh, Vietcombank cũng không chủ trương dùng màu sơn của trụ sở, chi nhánh làm nhận diện thương hiệu”.
Trong đợt thay đổi bộ nhận diện thương hiệu toàn hệ thống vào năm 2013, các nhà tư vấn thương hiệu có đưa ra ý kiến rằng, gam màu đỏ của toà nhà về mặt màu sắc bị “chọi” với màu xanh của thương hiệu, “xung” với nhau về mặt thẩm mỹ. Vì thế, các nhà tư vấn đưa ra nhiều màu phù hợp, có thể kết hợp song song với màu xanh, và cuối cùng Vietcombank đã chọn màu vàng sữa.
Đại diện Vietcombank cũng thừa nhận, màu sắc mang tính chất cảm xúc, do vậy, khi thay đổi một điều gì đó đã quá thân thuộc sẽ mang lại cho mọi người một sự hụt hẫng nhất định.
“Đúng là giữa nhiều toà nhà thì toà nhà màu đỏ (màu cũ trước kia - PV) nổi bật nhất, nhưng khi tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà tư vấn thương hiệu hàng đầu, thì chúng tôi lựa chọn sự thay đổi toà nhà từ màu đỏ sang màu vàng sữa cho phù hợp với màu thương hiệu hiện tại”, đại diện Vietcombank khẳng định.