Dự án 400 ha hàng chục năm để cây mọc còi cọc
Đầu tháng 4/2019, sau khi liên tục nhận được đơn thư của hàng chục hộ dân ngụ tại xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị lấy đất có dấu hiệu sai quy định pháp luật, PLVN đã vào cuộc tìm hiểu. Dự án bị tố sai phạm là “Khu du lịch sinh thái – nuôi và bảo tồn động vật hoang dã phục vụ du lịch Sơn Tiên”, sau này đổi tên thành “Khu đô thị và du lịch sinh thái Sơn Tiên”. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Thành phố Du lịch Sơn Tiên, trụ sở chính tại số 149C, Nguyễn Duy Dương, phường 3, quận 10, TP HCM.
PLVN đã điều tra thực tế, ghi nhận ý kiến các nông dân mất đất, nghiên cứu các văn bản của cơ quan chức năng từ tỉnh Đồng Nai tới Trung ương về dự án này. Liên quan dự án này, đã có rất nhiều cơ quan vào cuộc chỉ đạo giải quyết, như Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện của Quốc hội từ những năm 2010, 2011.
Tuy nhiên do vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo, đầu năm 2017 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có nêu ý kiến trong Văn bản số 691/VPCP-V.I yêu cầu kiểm tra thực hiện sau thanh tra với dự án Sơn Tiên.
Cuối năm 2017, cho ý kiến về báo cáo sau thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 5927/BTNMT-TTr ngày 2/11/2017, nói rõ: “Báo cáo chưa thể hiện rõ kết quả kiểm tra, xác minh đối với nội dung đơn của công dân như: Việc thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, tiến độ thời gian thực hiện dự án. Việc cho rằng dự án khu du lịch nằm sâu trong khu đất, có tường bao quanh để kết luận việc người dân không thấy được tiến độ thực hiện là chưa thuyết phục”.
Vẫn ý kiến trong văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa ký: “Mặt khác, cơ quan chức năng kết luận dự án đã thực hiện đúng tiến độ, cuối năm 2018 sẽ đưa vào khai thác phục vụ nhân dân, nhưng tại kết quả kiểm tra còn phát hiện một số tồn tại của dự án là đến nay UBND TP Biên Hòa chưa xác nhận hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, chưa đủ điều kiện để UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất; chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án… Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần báo cáo bổ sung làm rõ…”.
PLVN sau đó đã có hai bài viết, phản ánh hai nội dung thực tế đã và đang diễn ra hàng chục năm nay: Thứ nhất, dự án lấy hàng trăm ha đất, hàng chục năm sau phần lớn diện tích vẫn để cây mọc còi cọc.
Thứ hai, dự án bị nông dân mất đất phản đối khiếu kiện, đến nay vẫn là “điểm nóng” khi nhiều gia đình vẫn chưa nhận đền bù, hàng chục hộ gia đình vẫn liên tiếp có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các bài viết của PLVN đều phản ánh khách quan sự việc, ghi nhận ý kiến của những người mất đất đòi được hưởng quyền lợi hợp pháp chính đáng, phản ánh ý kiến đã nêu rõ ràng trong các kết luận báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Ban Dân nguyện của Quốc hội…
Thực hiện đúng chức năng của báo chí cách mạng, các bài viết đều hướng tới mục đích góp tiếng nói để pháp luật được thực thi chặt chẽ, quyền lợi của người mất đất được đảm bảo đúng luật, sử dụng đất đúng quy định, làm sao để “tháo ngòi nổ” những điểm nóng đất đai như Sơn Tiên.
Những phản ánh này là hoàn toàn chính xác, vì trong một văn bản của Sơn Tiên, Công ty này cũng xác nhận: “Gần đây nhất, tháng 4/2018 Công ty đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, chính quyền địa phương; bà Phạm Thị Trang và một số hộ dân có đất bị thu hồi sinh sống xung quanh dự án cùng làm việc với Tổ công tác theo Quyết định số 98/QĐ-TTCP ngày 22/3/2018 của Tổng Thanh tra Chính phủ”.
Vu khống trắng trợn
Trong Báo cáo kết luận số 2010/BC-TTCP ngày 9/8/2017, Thanh tra Chính phủ đã từng chỉ ra một sai sót của Sơn Tiên, đó là: “…công ty chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và công dân trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về dự án, tiến độ thực hiện dự án”.
Công ty Sơn Tiên một lần nữa đã lặp lại sai phạm trên, vì sau khi PLVN có các bài viết phản ánh, Sơn Tiên không rà soát nhìn nhận lại sự việc, không tiếp thu ý kiến đóng góp, mà lập tức có đơn gửi nhiều cơ quan, vu khống các nông dân bị mất đất là “cò mồi thưa kiện”.
Cố tình không nhắc tới chuyện nhiều nông dân mất đất vẫn chưa nhận đền bù, cố tình không nhắc đến chuyện Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu kiểm tra thực hiện kết luận sau thanh tra, cố tình không nhắc đến chuyện các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau về dự án, cố tình không nhắc đến chuyện nhiều lần “báo cáo láo” khi liên tục trễ hẹn dự án, Sơn Tiên viện dẫn ra bản Kết luận Thanh tra dự án năm 2011 để cho rằng các bài viết của PLVN “đi ngược lại kết luận chính thức của cơ quan Nhà nước”.
Một góc “đại dự án” Sơn Tiên sau hàng chục năm lấy đất của dân |
Đi xa hơn nữa, Sơn Tiên vu khống các bài báo của PLVN “đã vi phạm quy định của Luật Báo chí, đạo đức hành nghề người làm báo, có sự cấu kết lợi ích nhóm của nhóm phóng viên và các “cò mồi thưa kiện””.
Phản ứng trước nội dung lá đơn trên của Sơn Tiên, ông Phạm Chí Thanh (SN 1951, ngụ số 290, tổ 9, ấp 4, xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, một trong những người hiện vẫn có đơn khiếu nại dự án), nói: “Chúng tôi phẫn nộ trước những vu khống trắng trợn trên của Sơn Tiên. Chúng tôi là những nông dân mất đất, chúng tôi đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp của người mất đất, chứ có động cơ, mục đích gì khác mà Sơn Tiên trắng trợn vu khống chúng tôi “cò mồi thưa kiện”?
Từ khi Sơn Tiên xuất hiện, lấy đất của chúng tôi, cuộc đời chúng tôi điêu đứng. Sơn Tiên gây đau khổ cho nông dân, nay lại tiếp tục cậy thế cậy tiền vu khống những người yếu thế, “đổi trắng thay đen”. Sơn Tiên vì đồng tiền mà lại vô đạo đức đạp lên nỗi đau người nông dân mất đất”. Ông Thanh cho biết sẽ tính toán chuyện khởi kiện Sơn Tiên, yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những dấu hiệu sai phạm của dự án Sơn Tiên trong các số báo tới.
Dự án du lịch, hay dự án nhà ở:
Trong văn bản phát hành ngày 12/4/2019 mới đây, Sơn Tiên cho hay: “Nhằm đảm bảo nguồn nhân sự phục vụ cho Dự án Sơn Tiên khi đi vào hoạt động, hiện nay Công ty Sơn Tiên đã và đang đào tạo khoảng 500 cán bộ, công nhân viên tại khu du lịch văn hoá Suối Tiên. Sau khi thuần thục công việc sẽ đưa về làm việc tại Dự án Sơn Tiên.
Ngoài ra, để đảm bảo nơi ở, ổn định đời sống cho cán bộ công nhân viên an tâm làm việc tại Dự án Sơn Tiên, Công ty đã xây dựng khoảng 500 căn hộ, mỗi căn rộng hơn 50m2 phục vụ cho cán bộ, công nhân viên sinh sống”.