Việt Nam tích cực đóng góp vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển

Việt Nam luôn nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS
Việt Nam luôn nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS
(PLVN) - Là một quốc gia gắn liền với biển, là một thành viên có trách nhiệm của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS…

Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển 

Ngày 16/11/1994 là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của luật pháp quốc tế khi Công ước của Liên Hợp quốc về UNCLOS bắt đầu có hiệu lực, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.260km, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng UNCLOS. Sau khi UNCLOS được thông qua, Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS. Ngày 14/7/1994, Việt Nam đã nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc. Do vậy, ngày 16/11/1994 khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực cũng đồng thời là ngày văn kiện này có hiệu lực đối với Việt Nam.

Tiếp đó, Việt Nam đã gia nhập một số điều ước quốc tế để thực thi UNCLOS như Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của UNCLOS, Hiệp định thực thi các quy định của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa (có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ tháng 01/2019); gia nhập một số văn kiện pháp lý có liên quan đến khai thác và sử dụng biển trong khuôn khổ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) như Hiệp định việc biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO… Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nói chung và của UNCLOS nói riêng, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của UNCLOS, đồng thời có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước.

Việt Nam cũng đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về công tác quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với UNCLOS, góp phần thực hiện hiệu quả các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNCLOS. Trong đó, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động khai thác, quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển phù hợp với UNCLOS, phục vụ nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhiều luật chuyên ngành về biển và các lĩnh vực kinh tế biển đã được ban hành. 

Đáng chú ý, ngày 21/6/2012, Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Đây là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cũng như trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến biển nói riêng. Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của mình. Đồng thời, qua đó Việt Nam đã chuyển đi thông điệp Việt Nam tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Việt Nam nỗ lực triển khai các biện pháp thực thi UNCLOS 

Chủ trương giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển thông qua các biện pháp hòa bình được Việt Nam tuyên bố trong Nghị quyết phê chuẩn và văn kiện phê chuẩn UNCLOS. Tại khoản 3 Điều 4 Luật Biển Việt Nam 2012, Nhà nước Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với UNCLOS, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký với các nước láng giềng một số điều ước quốc tế về phân định biển. 

Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, coi đây là cơ sở cho việc giải quyết bất đồng giữa các bên. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 4/11/2002 (DOC) cũng như Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông.

Phù hợp với các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, hỗ trợ ngư dân. Việt Nam đã trao đổi với các nước liên quan để tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão trong vùng biển các nước và kịp thời tiến hành tìm kiếm, cứu nạn đối với ngư dân Việt Nam và ngư dân nước ngoài gặp nạn trên biển trên tinh thần nhân đạo. Để nâng cao hiệu quả của công tác này, Việt Nam cũng đã từng bước hoàn thiện bộ máy về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có việc thành lập và kiện toàn tổ chức của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của Công ước. Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của UNCLOS. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, UNCLOS đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, kể cả những tranh chấp về biển. Là một quốc gia gắn liền với biển, là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam luôn đề cao mục tiêu, tôn chỉ và các quy định của UNCLOS, nỗ lực triển khai các biện pháp để thực thi UNCLOS; đồng thời kiên trì, kiên quyết yêu cầu và kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ các nghĩa vụ của UNCLOS, qua đó đóng góp vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.