Cán bộ khoa học kỹ thuật có nhiều đóng góp nổi bật
Trung tướng Khuất Việt Dũng sinh năm 1959 tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Không nhiều người biết rằng, ông chính là con trai cả của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn).
Bước vào tuổi thanh niên, trong không khí sôi sục của những đoàn viên, thanh niên lúc bấy giờ, chàng trai trẻ Khuất Việt Dũng cũng đã vài lần xung phong nhập ngũ không được tuyển vì… chưa đủ tuổi.
Đến năm 1975, ông đỗ 3 trường đại học và quyết định chọn Học viện Kỹ thuật quân sự. Tại đây, ông theo học chuyên ngành kỹ sư tên lửa.
Sau khi ra trường vào năm 1980, Thiếu úy Khuất Việt Dũng công tác tại Binh chủng pháo binh và có tới 24 năm gắn bó với nơi này, đảm nhiệm nhiều công việc liên quan đến bảo đảm kỹ thuật, huấn luyện kỹ thuật, nghiên cứu sữa chữa, cải tiến, tăng hạn vũ khí…
Là một cán bộ khoa học kỹ thuật có nhiều đóng góp nổi bật, ông được tin tưởng giao nhiều trọng trách về chỉ huy, quản lý kỹ thuật ở đơn vị tên lửa và Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh.
Đến cuối năm 2004, khi đang là Đại tá, ông về công tác tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, giữ cương vị Phó Cục trưởng và từ tháng 12/2005 làm Cục trưởng Cục Quản lý công nghệ; quản lý về thiết kế công nghệ, sản xuất quốc phòng và kinh tế của ngành công nghiệp quốc phòng.
Tháng 6/2008, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, phụ trách về thiết kế công nghệ và quản lý sản xuất công nghiệp quốc phòng. Năm 2009, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Tháng 10/2014, ông chuyển sang làm Chính ủy Tổng cục, Bí thư Đảng ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Cũng trong năm này, ông được thăng hàm Trung tướng.
Nói đến Trung tướng Khuất Việt Dũng, những người quen biết đều nhớ đến tinh thần ham học hỏi đáng nể của ông. Chọn lĩnh vực khá đặc biệt để dấn thân nghiên cứu, từ khi còn trẻ, ông đã tích cực mày mò, tự học các kiến thức mới.
Ví dụ, sau khi tốt nghiệp đại học, ở thời điểm máy tính và tin học vẫn đang là thứ rất mới mẻ, cả nước mới chỉ có vài trung tâm máy tính và một số ít người viết được ngôn ngữ lập trình máy tính, ông đã tự bỏ tiền túi, đạp xe từ đơn vị sang Đại học Bách khoa để theo những khóa học về ngôn ngữ máy tính; tham gia các lớp học thêm về lĩnh vực về điều khiển, toán thống kê, xác suất, ngoại ngữ…
“Trong điều kiện đất nước lúc bấy giờ, là một người trẻ, tôi luôn mong muốn góp sức để đất nước sớm tiếp cận các lĩnh vực khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong thời gian đi học ở nước ngoài, tôi nhận thấy rằng người Việt Nam có khả năng nhận thức rất tốt, nếu chăm chỉ tích cực thì không kém ai. Vì thế, tôi càng nung nấu ý chí, khát vọng chiếm lĩnh được những lĩnh vực, những đỉnh cao, nhất là trong những lĩnh vực quan trọng đối với đất nước và với công việc của mình”, ông cho biết.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, ông nói rằng luôn cảm thấy bản thân vẫn còn thiếu hụt. Vì vậy, ông luôn tích cực tìm hiểu, đọc tài liệu, “có gì mới là phải tiếp cận, tìm hiểu bằng được”.
Năng lực sẵn có, cộng với tinh thần ham học hỏi, khát vọng vươn lên đã đưa ông trở thành một trong những chuyên gia về điều khiển tên lửa được đánh giá cao về sự hiểu biết, sáng tạo và tính thực tế.
Ngoài ra, đến nay, nhiều định hướng nghiên cứu của ông vẫn “cập nhật” với thời đại, như trí tuệ nhân tạo…
Trong thời gian công tác, ông Khuất Việt Dũng đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu và đào tạo sau đại học của Quân đội. Với những thành tích nổi bật và đóng góp quan trọng, ông đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận và trao tặng nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý.
Năm 2019, Trung tướng Khuất Việt Dũng rời quân ngũ. Ban đầu, ông dự định sẽ dành thời gian tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, được sự động viên, giới thiệu của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông quyết định tham gia Hội Cựu chiến binh với mong muốn đóng góp vào sự hoạt động tích cực của Hội, giữ vững vai trò là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội cụ Hồ.
Cũng trong năm 2019, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đến tháng 7/2021, ông trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV tại TP Hà Nội. Ông hiện cũng là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Pháp luật phục vụ đắc lực cho công việc
Ngoài công tác khoa học kỹ thuật vốn là lĩnh vực gắn bó gần như suốt thời gian công tác, Trung tướng Khuất Việt Dũng còn là một cử nhân Luật.
Cơ duyên đưa ông đến với lĩnh vực pháp luật là vào năm 1995, khi yêu cầu về nắm vững kiến thức pháp luật của cán bộ trong Quân đội và bản thân ông cũng thấy sự cần thiết của việc này. Vì vậy, ông đã học thêm bằng cử nhân Luật của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.
“Tôi thấy rằng, học luật rất hữu ích, phục vụ trực tiếp cho công tác chỉ huy, quản lý đơn vị Ví dụ, trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, những kiến thức về pháp luật rất cần thiết cho quá trình xây dựng các văn bản quản lý nhà nước, trong xây dựng các điều lệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật… Cũng nhờ học luật, tôi có kiến thức, kỹ năng đánh giá, xem xét, soạn thảo các văn bản pháp luật, văn bản hành chính, kể cả các văn bản lãnh đạo của các cấp uỷ ”, ông cho hay.
Với chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực công tác và sự am hiểu về pháp luật, Trung tướng Khuất Việt Dũng từng tham gia nhiều hoạt động xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều cấp độ khác nhau.
Điển hình là tham gia xây dựng các điều lệ, quy chế, thông tư trong Quân đội liên quan đến sản xuất quốc phòng, sản xuất, chế thử vũ khí, quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tham gia xây dựng Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng; Luật Công nghệ cao… Vừa qua ông được mời tham gia Ban chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Khi còn công tác tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, ông đã tham gia Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Tổng cục.
Còn hiện nay, Trung tướng Khuất Việt Dũng là Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Hội Cựu chiến binh Việt Nam; thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Với sự chỉ đạo của ông, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các cựu chiến binh luôn được chú trọng. Các cấp Hội Cựu chiến binh đã chủ động, tích cực triển khai hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên.
Các hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân và chế độ.
Nhiều hội viên tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp nảy sinh từ cơ sở; góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Trung tướng Khuất Việt Dũng khẳng định, trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lực lượng cựu chiến binh nếu được tập huấn, bồi dưỡng sẽ là lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật rất hiệu quả, đặc biệt là ở cơ sở.
“Các cựu chiến binh đều là những người có bản lĩnh chính trị, trong Quân đội đã được học tập, giáo dục, nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, là những người có uy tín trong cộng đồng. Nếu Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các địa phương dựa vào đội ngũ này, bồi dưỡng đội ngũ cựu chiến binh thì sẽ xây dựng được một đội ngũ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất tốt”, ông nhấn mạnh.
Hiện nay, Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu cho các hội viên để họ trở thành các nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền pháp luật; đồng thời tham gia vào các góp ý, phản biện cho các dự án luật theo phân công.
Trung tướng Khuất Việt Dũng khẳng định, trên cương vị đại biểu Quốc hội, ông sẽ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội trên cả 3 nhiệm vụ chính là xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, bằng kiến thức, trải nghiệm và tâm huyết của bản thân, ông tích cực đóng góp vào các vấn đề như xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang nhân dân đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; kết hợp kinh tế với quốc phòng trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; chính sách an sinh xã hội đối với người có công, cựu chiến binh, đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn…