Sáng 17/2, tiếp tục Phiên họp thứ 8, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.”
Trình bày Báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua tổng hợp bước đầu, hệ thống pháp luật về công tác quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch (Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019) đã bị chậm 14 tháng so với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều này đã dẫn đến việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành có liên quan khác cũng không bảo đảm tiến độ và làm ảnh hưởng rất nhiều tới tiến độ lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch...
Về thời gian hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, ngay sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 về triển khai thi hành Luật.
Tuy nhiên, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng thì Nghị quyết 11 không đưa ra thời hạn cụ thể. Nghị quyết 82 của Quốc hội về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Để triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021- 2030 theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 (Nghị quyết số 69/NQ-CP).
Trên cơ sở đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 và gia hạn tiến độ hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đến ngày 31/12/2022.
Về kết quả lập, thẩm định và quyết định/phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021- 2030, đến thời điểm này, trong các quy hoạch cấp quốc gia mới có quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 4/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Tất cả các quy hoạch đều được phê duyệt chậm hơn thời hạn ngày 31/12/2020 theo yêu cầu tại Nghị quyết 11/NQ-CP.
Về quy hoạch vùng, hiện chưa có quy hoạch vùng nào được phê duyệt, mới chỉ có quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức lập quy hoạch vùng theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Quy hoạch và được Hội đồng thẩm định thông qua.
Về lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, đến nay, 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn thành lập, trình thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, còn lại Thành phố Hồ Chí Minh trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định trong tháng 2/2022.
Trong thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ làm việc với một số Bộ liên quan, gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong khoảng thời gian từ 28/2-4/3/2022.
Đoàn giám sát dự kiến sẽ làm việc với thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và chia thành 3 Đoàn công tác làm việc với 6 địa phương, gồm Lâm Đồng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh. Dự kiến, Đoàn giám sát sẽ làm việc với Lãnh đạo Chính phủ trong khoảng từ ngày 28-30/3; tổ chức tọa đàm cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát dự kiến từ ngày 4-7/4.
Cho ý kiến tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát nói chung trong thời gian qua; đồng thời cho rằng, việc chậm hướng dẫn triển khai quy hoạch ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.
Về công tác chuẩn bị, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nhiều bộ, ngành chấp hành nghiêm kế hoạch, đề cương giám sát đã báo cáo tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cũng còn một số bộ, ngành, địa phương báo cáo còn chậm, nội dung chưa đầy đủ.
Cơ bản nhất trí với dự kiến kế hoạch triển khai của Đoàn giám sát trong thời gian tới, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ kế hoạch làm việc, nội dung làm việc với bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương và hình thức khảo sát làm việc với các địa phương.
Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp để sau giám sát phải trả lời cho được các vấn đề cụ thể như: danh mục văn bản pháp luật và thời hạn ban hành theo quy định của Luật vừa qua như thế nào? Đối chiếu với danh mục hệ thống quy hoạch thực tế đã làm thì chất lượng và tiến độ các văn bản ra sao? Đánh giá sơ bộ tiến độ và chất lượng quy hoạch; xung quanh việc chấp hành, trình tự, thủ tục ra sao, kể cả 5 bước: lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch; đánh giá bước đầu chất lượng công tác lập quy hoạch, kể cả việc vận hành và sử dụng cơ sở dữ liệu; đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan về văn bản pháp luật, về tổ chức thực hiện; quy rõ trách nhiệm và cá thể hóa trách nhiệm...
Về kế hoạch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung ưu tiên làm việc với các Bộ và lựa chọn trúng vấn đề, kèm theo đó phải xây dựng đề cương chi tiết cho các cuộc làm việc. Đối với các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kế hoạch của Đoàn giám sát nhưng lưu ý cần hạn chế đi địa phương, mỗi vùng chỉ nên chọn 1 tỉnh.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, sớm có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo theo đúng yêu cầu của Đoàn giám sát và cần thiết, nếu nơi nào chậm trễ thì phải đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông./.