Vi phạm trong lĩnh vực Thi hành án dân sự: Thừa phát lại có thể bị phạt tới 20 triệu đồng

(PLVN) -Có hiệu lực từ 1/9/2020, Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có nhiều điểm mới liên quan đến các vi phạm trong các lĩnh vực nói trên.

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, bao gồm luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại;

Hành chính tư pháp, bao gồm: hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký biện pháp bảo đảm; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Hôn nhân và gia đình; Thi hành án dân sự; Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng; mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.

Thêm nhiều hành vi vi phạm sẽ bị xử lý

Cụ thể, hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng.

Nghị định mới ngoài quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng (như theo quy định của Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ hiện hành)  thì còn bổ sung một số hành vi như: Không thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú; Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khi người có thẩm quyền thi hành án yêu cầu; Có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm người thi hành công vụ trong thi hành án dân sự; Chống đối, cản trở hoặc xúi giục người khác chống đối, cản trở hoạt động thi hành án dân sự; Gây rối trật tự nơi thi hành án hoặc có hành vi khác gây trở ngại cho hoạt động thi hành án dân sự mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong 4 hành vi; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong 8 hành vi (bổ sung thêm 5 hành vi so với Nghị định 110/CP); trong đó đáng chú ý là các hành vi liên quan đến tài khoản, thu nhập của người phải THA như: Không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và việc phong tỏa, khấu trừ để thi hành án; làm lộ thông tin hoặc lạm dụng thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án để sử dụng trái phép vào mục đích khác. 

Sẽ bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại

Nghị định cũng quy định 7 hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; 3 hành vi bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đặc biệt mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.

Nghị định quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, các điểm a và b khoản 5 Điều này; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trong trường hợp cần thiết theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

 Đáng chú ý, so với Nghị định 110/CP hiện hành, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực thi hành án dân sự, trong đó mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Thu tiền thi hành án nhưng chưa nộp vào quỹ đúng quy định mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Sử dụng tiền thi hành án không đúng quy định. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 4 Điều này; Tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.