Từ 20/10, tài khoản định danh điện tử có thể dùng thay cho thẻ Căn cước công dân

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ hôm nay (20/10), tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị tương đương như thẻ căn cước công dân (CCCD) trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình CCCD.

Theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 20/10, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử. Đây là thông tin của chủ thể trong hệ thống định danh và xác thực điện tử, cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử.

Mỗi cá nhân, tổ chức đều có danh tính điện tử

Mỗi định danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản định danh điện tử. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an).

Từ ngày 20/10, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay. (*)

Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay. (**)

Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.

Đối tượng được cấp tài khoản định danh điện tử

Điều 11 của Nghị định 59 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; đối với công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài là người chưa đủ 14 tuổi hoặc là người được giám hộ được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam.

Cách đăng ký tài khoản định danh:

1. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với người đã có căn cước công dân gắn chip:

- Bước 1: Sử dụng thiết bị di động cài ứng dụng VNelD.

- Bước 2: Truy cập VNelD, nhập số định danh cá nhân, số điện thoại hoặc thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng; thu nhận ảnh chân dung và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản.

- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNelD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.

2. Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2:

+ Đối với công dân đã có căn cước công dân gắn chip

- Bước 1: Công dân đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử; thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ công an.

- Bước 2: Cán bộ chức năng nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, lấy mẫu vân tay của công dân để xác thực với cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo tài khoản định danh.

- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNelD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.

Trường hợp công dân chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip, cơ quan công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ căn cước công dân.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.