Trường đại học Hàn Quốc sẽ mở lại ngành nghiên cứu về Triều Tiên?

Trường Đại học Dongguk – cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Hàn Quốc mở ngành học về Triều Tiên
Trường Đại học Dongguk – cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Hàn Quốc mở ngành học về Triều Tiên
(PLO) - Các doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm kiếm những chuyên gia Triều Tiên nhưng việc này không hề dễ dàng bởi việc đào tạo chuyên ngành nghiên cứu Triều Tiên ở nước này thời gian qua khá ảm đạm. 

Trong những tháng gần đây, tình hình trên bán đảo Triều Tiên liên tục có những tiến triển đầy lạc quan. Giữa lúc có những lý do để tin rằng quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên sẽ cải thiện, ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc tìm cách tuyển mộ các chuyên gia về Triều Tiên với hy vọng sẽ đón đầu được những lợi ích từ việc căng thẳng giữa 2 nước giảm đi. Tuy nhiên, việc này lại có vẻ không hề dễ dàng bởi nhiều công ty đang không biết thuê chuyên gia Triều Tiên ở đâu và dựa trên bằng cấp chuyên môn gì để tuyển dụng. Tình trạng này được cho là có liên quan đến việc ở Hàn Quốc hiện vẫn thiếu các cơ sở đào tạo về chuyên ngành Triều Tiên. 

Nhiều người có thể sẽ nghĩ rằng tại sao người Hàn Quốc lại cần phải nghiên cứu về Triều Tiên khi cả 2 nước đều nói tiếng Hàn và trước đó từng là 1 nước thống nhất. Điều này được ông Nam Sung-wook, giáo sư về nghiên cứu Triều Tiên tại trường Đại học Hàn Quốc, lý giải như sau: “Dù họ cùng một tộc người nhưng lại đã bị chia tách gần 70 năm. Thể chế chính trị, ý thức hệ và văn hóa của họ vì thế cũng khác nhau”. Tuy có những khác biệt về giáo trình nhưng các chương trình nghiên cứu Triều Tiên ở Hàn Quốc thường bao gồm ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế, chính trị Triều Tiên, quan hệ quốc tế, quan hệ cũng như hợp tác liên Triều. 

Từ giữa những năm 1990, các trường đại học đầu tiên ở Hàn Quốc mở ngành nghiên cứu Triều Tiên. Trong đó, trường Đại học Dongguk ở Seoul là trường đầu tiên đào tạo trình độ đại học về ngành nghiên cứu Triều Tiên vào năm 1994. 1 năm sau đó, vào năm 1995, trường Đại học Myongji cũng đã mở ngành học tương tự. Lần lượt trong các năm 1996, 1997, các trường Đại học Catholic Kwandong và Đại học Hàn Quốc cũng đã đào tạo ngành nghiên cứu Triều Tiên. Đặc biệt, trong năm 1998, có đến 2 trường đại học ở Hàn Quốc là Đại học Chosun và Sun Moon đã cùng mở chuyên ngành nói trên, đánh dấu sự bùng nổ bất ngờ của chuyên ngành nghiên cứu Triều Tiên ở đất nước trên cùng bán đảo. 

Tuy nhiên, những ngày rực rỡ đó không kéo dài lâu. Do sự gia tăng đột ngột nguồn cung nên các trường đại học ở Hàn Quốc đã phải rất chật vật để tìm sinh viên. Chỉ trong vòng 1 năm sau khi mở ngành, trường Đại học Chosun đã quyết định dừng tuyển sinh. Năm 2006, trường Đại học Catholic Kwandong đưa ra thông báo tương tự. Các trường còn lại là Myongji, Sun Moon và Đại học Hàn Quốc về sau đã sáp nhập ngành học này với các ngành liên quan khác, như quan hệ quốc tế hay nghiên cứu khoa học chính trị. Đến cuối tháng 5/2018, chỉ có 2 cơ sở đào tạo đại học ở Hàn Quốc còn tổ chức đào tạo ngành nghiên cứu Triều Tiên là trường Đại học Dongguk và Đại học nghiên cứu Triều Tiên nhưng trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên lại chỉ đào tạo bậc sau đại học.

Việc quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng được cho là lý do chính khiến tình hình đào tạo nghiên cứu về Triều Tiên ở Hàn Quốc trở nên khó khăn hơn. Khi quan hệ giữa 2 miền Triều Tiên xấu đi nhanh chóng vào cuối những năm 2000, nhu cầu về chuyên gia có hiểu biết sâu rộng về Triều Tiên tại Hàn Quốc đã giảm đi nhanh chóng. Ví dụ, Công ty Hyundai Asan thường xuyên có các hoạt động kinh doanh tại Triều Tiên như mở tour du lịch tới núi Kumgang đã giảm số nhân viên từ khoảng 1.080 người xuống chỉ còn 260 người sau năm 2008, khi một binh lính Triều Tiên đã bắn một du khách Hàn Quốc đang tham gia tour du lịch do công ty tổ chức.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng có tuyển dụng các chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên nhưng chỉ có 2 người được tuyển dụng mỗi năm. Việc khó có thể kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp cũng đã khiến số sinh viên muốn theo học ngành này ngày càng ít đi. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện sáng kiến đánh giá các trường đại học, trong đó có tiêu chí tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Những trường không đáp ứng được các chỉ tiêu đề ra có thể bị phạt hoặc tệ nhất là đóng cửa, càng khiến các trường đại học đào tạo chuyên ngành nghiên cứu Triều Tiên khó có cơ hội tăng được lượng người học.

Trong bối cảnh như vậy, bà Lim Eun-hee ở Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Hàn Quốc cho rằng Chính phủ và các trường đại học ở Hàn Quốc cần có cách tiếp cận dài hạn và tầm nhìn để mở và triển khai đào tạo ngành nghiên cứu Hàn Quốc. Theo bà Lim, vấn đề này đặc biệt quan trọng để chuẩn bị cho sự tăng cường hợp tác giữa 2 miền Triều Tiên khi quan hệ giữa 2 nước được cải thiện.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.