Xe buýt “sạch” nhất thế giới
Di chuyển bằng phương tiện công cộng là lựa chọn đầu tiên của người Thuỵ Điển bởi nỗ lực giảm bớt ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chính phủ Thuỵ Điển còn làm được nhiều hơn thế khi thực hiện lộ trình điện khí hoá nền giao thông công cộng tại đất nước này nhằm hướng tới không phát thải khí nhà kính.
Bắt đầu từ tháng 6/2015, thành phố Gothenburg (Thuỵ Điển) là địa phương đầu tiên khai trương tuyến đường dành cho xe buýt điện tái tạo – loại xe buýt không gây tiếng ồn, không phát thải, chạy bằng điện từ gió và nước. Đó là tuyến đường xe buýt số 55, chạy từ Chalmers Johanneberg đến Chalmers Lindholmen, qua trung tâm Gothenburg.
Tại thời điểm này, chỉ có 3 xe buýt chạy hoàn toàn bằng điện và 7 xe buýt chạy một phần bằng điện. Tất cả đều được cung cấp bởi công ty Volvo Buses thuộc tập đoàn Volvo. Những chiếc xe buýt đều áp dụng công nghệ hiện đại, trang bị đầy đủ wifi và thiết bị sạc điện thoại thông minh miễn phí.
Điểm dừng đầu và cuối tuyến đường có bố trí thiết bị sạc điện tái tạo cho xe buýt điện. Riêng tại trạm dừng Chalmers Lindholmen, các xe sạc pin ở trong nhà – điều chỉ có thể thực hiện được khi xe buýt không gây tiếng ồn và không phát thải khí nhà kính độc hại. Nguồn cung điện cho những chiếc xe này được lấy từ các nhà máy điện gió của Vattenfall.
Tuyến đường dành riêng xe buýt điện không chỉ đưa Gothenburg lên bản đồ về hệ thống giao thông công cộng sáng tạo, mà còn mở ra những khả năng mới cho quy hoạch đô thị. Dự án xe buýt điện ở Gothenburg tiết kiệm năng lượng hơn 80% so với các xe chạy bằng dầu diesel thông thường. Những chiếc xe buýt này đã đoạt Giải thưởng Mặt trời châu Âu năm 2015 trong lĩnh vực Giao thông và Di chuyển của Hiệp hội Năng lượng Tái tạo châu Âu cho các dự án khuyến khích chuyển sang sử dụng năng lượng bền vững.
A1 Xe buýt điện chạy bằng năng lượng tái tạo tại Gothenburg (Ảnh: ElectriCity) |
Nói về các dự án điện khí hoá toàn thành phố, ông Anneli Hulthén - Chủ tịch Thành phố Gothenburg cho biết: “ElectriCity và tuyến đường 55 là minh chứng thành phố Gothenburg ngày càng thông minh hơn, bền vững hơn và cởi mở hơn. Đồng thời, dự án cũng chính là chiến lược của chúng tôi nhằm thu hút nhân lực có chuyên môn cao và nguồn lực đầu tư cùng giảm thiểu tác động của con người lên môi trường, phát triển sự hợp tác lâu dài giữa chính quyền, ngành công nghiệp và các trường học, viện nghiên cứu.”
Được biết, vào tháng 12/2020, sẽ có thêm 157 chiếc xe buýt điện Volvo mới được lăn bánh trên đường phố Gothenburg. Cơ sở hạ tầng tạo điện năng được xây dựng và quản lý bởi ABB – tập đoàn đa quốc gia dẫn đầu về ngành công nghiệp năng lượng và công nghệ tự động hóa có trụ sở tại Thuỵ Điển. Bộ sạc ABB đạt công suất 450kW/h, giúp sạc đầy pin cho xe buýt trong khoảng từ 3-6 phút.
Bộ sạc có gắn thiết bị kết nối Internet giúp các nhà quản trị mạng giám sát từ xa để kịp thời sửa chữa các lỗi kĩ thuật, góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của hệ thống. 19 bộ sạc điện năng lượng cao sẽ được lắp đặt trong nửa cuối năm 2020 trước khi các xe buýt mới đi vào hoạt động. Đến lúc đó, sẽ có tổng cộng 220 xe buýt điện hoạt động trên địa bàn Gothenburg, ước tính công suất của những chiếc xe buýt này sẽ đạt 180 triệu chuyến mỗi năm.
Theo đó, ông Håkan Agnevall - Chủ tịch Volvo Buses cho rằng: “Giải pháp xe buýt điện không còn là nền tảng giao thông của tương lai nữa mà đã chứng minh được khả năng cung cấp cho các thành phố phương tiện giao thông công cộng bền vững và khả thi về mặt tài chính.”
Quả thực, giải pháp này đã xuất hiện ở nhiều thành phố khác của Thuỵ Điển. Đây cũng là định hướng và chiến lược lâu dài của đất nước này là chuyển đổi hoàn toàn sang nền giao thông “sạch”, sử dụng năng lượng tái tạo bền vững.
Vì nền giao thông thân thiện với môi trường
Năm 2018, Thuỵ Điển đưa vào sử dụng một con đường có khả năng sạc điện cho các chiếc xe đi qua nó tại Stockholm. Theo tờ The Guardian, hai đường ray dẫn điện dài khoảng 2km, nối từ sân bay Stockholm Arlanda đến khu hậu cần, sạc điện cho ắc quy ô tô và xe tải. Theo đó, xe cộ kết nối với đường ray qua chiếc cần động dưới gầm xe để lấy điện, khi pin ắc-quy đầy, cần tự động nhấc lên, ngắt kết nối. Thiết kế sạc linh hoạt này có lợi thế hơn các trạm sạc ven đường ở chỗ có thể áp dụng cho các loại xe nhỏ hơn, chi phí chế tạo cũng thấp hơn.
Ông Hans Säll - giám đốc điều hành tập đoàn eRoadArlanda đứng sau dự án này chia sẻ: “Tất cả phương tiện và đường sá hiện tại có thể điều chỉnh để tận dụng công nghệ này. Không có điện trên mặt đường. Điện chỉ tồn tại trên 2 đường ray như ổ cắm trên tường, sâu xuống 5-6cm là nơi có dòng điện. Nếu đường ngập trong nước biển, sẽ tồn tại điện trên mặt đường với hiệu điện thế 1V. Bạn có thể đi chân không lên đó.
Nếu chúng ta có thể điện hóa 20.000km đường cao tốc ở Thụy Điển, tôi tin sẽ đủ. Khoảng cách giữa 2 cao tốc thường không xa hơn 45km, xe điện có thể di chuyển trên đoạn đường đó mà không cần sạc”. Theo ông, 1km đường ray điện hiện tốn 1 triệu Euro, rẻ hơn 50 lần so với chi phí xây dựng hệ thống tàu điện đô thị.
Có thể thấy, cơ sở hạ tầng cho việc điện khí hoá là một phần quan trọng của hệ thống giao thông “sạch”, thân thiện với môi trường. Mà hướng tới sử dụng hệ thống giao thông công cộng luôn là yếu tố quan trọng với bất kì thành phố nào có các mục tiêu bên vững. Bên cạnh công nghệ tân tiến, muốn có một nền giao thông “sạch” thì cũng cần có thói quen tiêu dùng “sạch”. Người dân Thuỵ Điển luôn ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng thay vì các phương tiện cá nhân bởi mong muốn bảo vệ môi trường.
Đường ray sạc điện ở Stockholm (Ảnh: inhabitat.com) |
Trong giai đoạn giãn cách xã hội bởi đại dịch Covid-19, việc duy trì thói quen sử dụng phương tiện công cộng có thể bị hạn chế. Dù vậy, các giải pháp về giao thông công cộng vẫn luôn được ưu tiên khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Nhìn về Việt Nam, thống kê của Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2016-2020, ước tính phát thải khí nhà kính từ hoạt động giao thông vận tải chiếm đến 45% tổng phát thải trên cả nước. Trong đó phát thải giao thông đường bộ chiếm trên 80%. Xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt là khí thải CO. Xe tải và xe khách các loại lại thải nhiều NO2. Tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động giao thông cũng gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc kiểm soát các nguồn phát thải khí nhà kính và gây ô nhiễm môi trường là một vấn đề cấp bách.
Từ câu chuyện của Thuỵ Điển, cơ sở hạ tầng cho điện khí hoá là điều kiện thiết yếu để tạo nên các phương tiện giao thông “sạch”. Tuy nhiên, đó là một bài toán lâu dài, cần sự nghiên cứu lâu dài, cần chính sách, định hướng và nguồn đầu tư dài hạn để hoàn thiện. Trong khi đó, điều có thể làm trước và có ý nghĩa hơn cả chính là phổ biến, giáo dục người dân, doanh nghiệp, tổ chức và cả xã hội về ý thức giao thông “sạch”.
Kết quả có thể bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhất, ví như không sử dụng xe cộ quá niên hạn, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng nếu có thể (đặc biệt sau khi dịch bệnh được kiểm soát), tăng sản xuất và sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường khác…