Gương sáng Pháp luật

Thợ lò trẻ với khát vọng thoát nghèo, đạt thu nhập hơn nửa tỷ đồng trong năm 2021

Thợ lò Nguyễn Văn Nam nhận Bằng khen của tỉnh Quảng Ninh.
Thợ lò Nguyễn Văn Nam nhận Bằng khen của tỉnh Quảng Ninh.
(PLVN) - Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (SN 1992, công nhân khai thác hầm lò thuộc công ty than Thống Nhất –TKV) đã dành cả tuổi thanh xuân để gắn bó với miền đất Mỏ Quảng Ninh. Hơn 10 năm là thợ lò tay nghề cao, Nam thường xuyên nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua Tập đoàn TKV và trở thành một tài năng trẻ tiêu biểu, đại diện cho khát vọng trẻ thời đại 4.0 tại Quảng Ninh.

Thu nhập “khủng”

Kể về cơ duyên gắn bó với nghề thợ lò, một nghề được ví “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”, Nam chia sẻ: Từ nhỏ, thấy sự vất vả của bố mẹ, Nam luôn đau đáu một điều là làm sao để “thoát nghèo”.

Sau một lần đi đám cưới, họ hàng khuyên nhủ Nam phải học lấy một cái nghề để kiếm kế sinh nhai. Nghĩ là làm, năm 2010, Nam khăn gói ra Quảng Ninh học nghề. Hai năm sau, Nam được tuyển vào làm công nhân mỏ của công ty than Thống Nhất.

Năm 2014, Nam được tham gia cuộc thi thợ giỏi của Tập đoàn TKV và với thành tích cao, Nam được đề bạt làm Tổ trưởng của Phân xưởng Đào lò 4. Trải qua nhiều vị trí làm việc, đến nay, sau hơn 10 năm gắn bó với công ty Than Thống Nhất –TKV, Nam được xem là tấm gương cho anh em, đồng nghiệp về sự cống hiến, nỗ lực và đam mê trong công việc. Mức tiền lương, ngày công cũng như năng suất lao động luôn dẫn đầu công ty trong tổng số 3.200 lao động, 1.000 thợ lò.

Không chỉ vậy, nhiều năm liền, Nam lọt vào top đầu danh sách thợ trẻ thu nhập cao trên 300 triệu/năm toàn Tập đoàn. Năm 2021, tổng mức thu nhập của Nam đã đạt trên 500 triệu/năm.

Thi công đào mỏ ở độ sâu -90m, thế giới mỏ dưới lòng đất hoàn toàn khác xa với bên ngoài, công việc sản xuất trực tiếp tại phân xưởng khai thác than, đá chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Ông Phạm Thọ Thể, Quản đốc công ty Than Thống Nhất – TKV nhận định: Mặc dù, thời gian gần đây, việc khai thác than đã được áp dụng hệ thống thiết bị hiện đại nhưng diện sản xuất của doanh nghiệp ngày càng xuống sâu, vào xa hơn.

Do đó, Nam cũng như các công nhân khác vẫn gặp một số khó khăn trong công tác chuẩn bị điện, tổ chức sản xuất, vận tải, thông gió, thoát nước và đặc biệt là kiểm soát an toàn mỏ.

Thợ lò 9X Nguyễn Văn Nam (bên trái) rạng rỡ bên cạnh đồng nghiệp.

Thợ lò 9X Nguyễn Văn Nam (bên trái) rạng rỡ bên cạnh đồng nghiệp.

Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén, tinh tế cộng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trực tiếp trong lò, Nam không chỉ coi trọng công tác kiểm tra an toàn bảo hộ lao động mà còn đôn đốc đồng nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành các quy trình, quy phạm kỹ thuật cơ bản, biện pháp thi công đảm bảo sản xuất an toàn, không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố máy móc thiết bị công trình.

Cũng chính vì vậy, chỉ sau 4 năm vào làm việc tại công ty, năm 2016, Nam được kết nạp Đảng và được tín nhiệm giao trọng trách là Bí thư chi đoàn Phân xưởng Đào lò 3. “Không chỉ giỏi nghiệp vụ, đồng chí Nam còn là một Bí thư chi đoàn năng nổ, tích cực của công ty, tổ chức thành công nhiều hoạt động dưới đơn vị”, anh Đào Văn Hưng, Bí thư đoàn công ty than Thống Nhất chia sẻ.

“Cơn mưa” sáng kiến

Dạn dày kinh nghiệm, luôn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ nhóm trưởng trong xử lý các tình huống sự cố mỏ đặc biệt là công trình trọng điểm của phân xưởng, Nam luôn nắm bắt kịp thời mọi vướng mắc, ách tắc trong ca sản xuất để cùng anh em, đồng đội khắc phục mọi khó khăn, tăng năng suất lao động. Nam đã thường xuyên đề xuất các phương án cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa quá trình tổ chức sản xuất của đơn vị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong số “cơn mưa” sáng kiến, không thể không kể đến năm 2020, Nam có sáng kiến gia công đai bắt bu long liên kết cố định giữa đầu máng cào với cầu máng số 1. Trong đó, máng cào đang sử dụng trong mỏ hiện tại không thể cố định liên kết giữa cầu số 1 và đầu máng nên hay xảy ra sự cố dắt xích hoặc rơi xích gầm, đứt xích do chiều cao nền lò thường xuyên thay đổi. Nam đã có sáng kiến tận dụng văng vì chống thu hồi, cắt hàn, gia công đai bắt bu lông liên kết hai bên của đầu máng với cầu máng số 1.

Thợ lò Nguyễn Văn Nam cùng các đồng nghiệp.

Thợ lò Nguyễn Văn Nam cùng các đồng nghiệp.

Nam tiếp lời: “Năm 2021, lò LCII 6B-7 phân xưởng đào lò 3 đang thi công gặp vị trí tiếp giáp lò cũ. Từ thực tế, tôi đã đề xuất ý tưởng đóng bích, treo xà, tăng cường gia cố cho vị trí suy yếu để hạn chế hiện tượng nún nén vì chống, đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp và tạo không gian rộng rãi khi lò nén”. Các sáng kiến đều được Hội đồng sáng kiến công ty công nhận và khen thưởng hàng năm.

“Tình yêu với miền đất lạ để hóa quê hương”

“Đất lành chim đậu”, tuổi trẻ đam mê và nhiệt huyết của Nam gắn liền với đất mỏ. Sau khi kết hôn, Nam đã đón vợ từ Nghệ An ra Quảng Ninh. “Ngày ấy, khi vừa sinh cô con gái đầu lòng, hai vợ chồng thuê một phòng trọ nhỏ. Mùa nắng, cái nóng tháng 5 phả xuống mái tôn hầm hập, còn mùa mưa, hai vợ chồng ôm con thức trắng đêm nhìn cái chậu để hứng nước mưa đặt giữa giường mà chỉ mong trời nhanh sáng”. Nghĩ về những ngày khốn khó, xa quê, khóe mắt Nam lại cay.

Chính những khó khăn ấy đã thôi thúc Nam phải cố gắng, nỗ lực trong công việc để vợ và hai cô con gái có một mái ấm đúng nghĩa. Và mơ ước đó đã thành hiện thực khi căn nhà nhỏ ấm cúng của hai vợ chồng được hoàn thiện. Vậy là Quảng Ninh trở thành quê hương thứ 2 của vợ chồng Nam và bây giờ là của cả anh trai ruột Nam.

Nam tâm sự: “Ai cũng nói nghề mỏ vất vả nhưng phải hăng say lao động mới có tình yêu nghề. Nhiều thợ lò bỏ nghề vì xa gia đình nên tôi chỉ mong Tập đoàn mở rộng, phát triển thêm công ăn việc làm cho phụ nữ để anh em thợ lò vững tâm bám nghề”.

Không ngủ quên trên chiến thắng, Nam đang tiếp tục theo học Đại học tại chức chuyên ngành khai thác mỏ. Khi việc học hoàn thành, Nam càng tự tin để bước tiếp trên chặng đường vẻ vang của lớp lớp thế hệ thợ mỏ và “nuôi dưỡng” mơ ước trở thành một cán bộ dày dặn kinh nghiệm để dìu dắt và truyền nhiệt huyết cho các thế hệ công nhân mới vào nghề.

Từ năm 2017 đến nay, Nam liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2017-2018 là Chiến sĩ thi đua Tập đoàn và đặc biệt, từ 2017-2020, Nam đã đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ủy ban Quản lý vốn và được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Năm 2019, Nam được nhận giải thưởng Người thợ giỏi toàn quốc và được tỉnh Đoàn Quảng Ninh tuyên dương là 1 trong 20 tài năng trẻ tiêu biểu, đại diện cho khát vọng trẻ thời đại 4.0. Năm 2022, Nam tiếp tục được công ty than Thống Nhất đề nghị tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua Tập đoàn TKV.

Đọc thêm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm

Nâng cao nhận thức pháp luật và khả năng tiếp cận tín dụng có bảo đảm
(PLVN) - Trong 02 ngày từ 27-28/3/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với sự hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp đã tổ chức Lớp tập huấn cho cán bộ địa phương về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định rõ cơ chế, giới hạn áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị.
(PLVN) - Sáng 26/3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm. Do đó, cần tiếp cận nội dung này theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt.

Đảm bảo chất lượng, thời gian đào tạo nghề công chứng

Công chứng viên giải quyết yêu cầu của khách hàng (ảnh MH).
(PLVN) - Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án

TP.Thủ Đức: Cưỡng chế bàn giao đất cho người được thi hành án
(PLVN) -Ngày 25-3, Chi cục thi hành án dân sự (THADS) TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tổ chức thi hành xong Bản án số 1027/2018/DSPT ngày 12-11-2018 của TAND TP.HCM; Quyết định giám đốc thẩm số 167/2019/DS-GDT ngày 4-7-2019 của TAND cấp cao tại TP.HCM; Quyết định thi hành án số 994/QĐ- CCTHADS ngày 3-12-2018 của Chi cục Trưởng Chi cục THADS TP. Thủ Đức.

Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực hộ tịch

Quang cảnh buổi làm việc.
(PLVN) -Sáng 25/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc làm việc với các đơn vị về tháo gỡ các vướng mắc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 trong lĩnh vực hộ tịch.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng

Người dân thực hiện thủ tục về công chứng (ảnh MH, Báo VP).
(PLVN) - Tính đến nay, nước ta có hơn 3.300 công chứng viên (CCV) với gần 1.300 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC). Để đảm bảo sự phát triển liên tục, ổn định, bền vững của các tổ chức này, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định nguyên tắc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội, diện tích, số lượng và mật độ phân bố dân cư, nhu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch trên địa bàn cấp huyện dự kiến thành lập.