Nhiều năm qua, ngoài huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) thường huy động số vốn lớn từ thị trường chứng khoán hoặc phát hành trái phiếu DN. Việc cơ quan điều tra khởi tố một số lãnh đạo DN kinh doanh BĐS theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhiều DN BĐS, thị trường BĐS sẽ có những rung lắc. “Nhà đầu tư, DN có thể sẽ đắn đo trong việc đầu tư, huy động vốn. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn. DN sẽ có những hướng đi bền vững hơn” - ông nhận định.
Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, trước khi bị bắt, ông chủ Tân Hoàng Minh gây rúng động thị trường BĐS bởi vụ đấu giá “tỷ đô” tại Thủ Thiêm. Sau sự kiện đó, đất Thủ Thiêm nói riêng và cả nước nói chung đều có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, một số giới đầu cơ, “cò” đất nhân cơ hội đó “thổi giá” khiến thị trường BĐS trở nên “méo mó”, thậm chí có nơi rơi vào trạng thái hỗn loạn.
Theo nhận định của GS Đặng Hùng Võ, việc ông Đỗ Anh Dũng đấu giá đất trả mức giá quá cao có thể để chứng tỏ năng lực tài chính của mình nhằm thu hút nhà đầu tư mua trái phiếu, cổ phiếu. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, các DN thuộc Tân Hoàng Minh đã huy động được hơn 10.300 tỷ đồng thông qua hình thức bán trái phiếu DN.
Thị trường chứng khoán thời gian qua cũng chứng kiến nhiều cổ phiếu DN BĐS sụt giảm. Đó là phản ứng tức thời của thị trường trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), năm 2022, qua thực tế khảo sát, thị trường BĐS năm 2022 sẽ tăng trưởng bền vững hơn. Cụ thể, thị trường BĐS sẽ có xu hướng tăng trưởng ở hầu hết các phân khúc; trong đó phân khúc BĐS công nghiệp, đất nền, nhà ở có nhiều khả năng tăng trưởng mạnh nhất. Bên cạnh đó là sự phục hồi của nhóm BĐS nghỉ dưỡng và thương mại.
Báo cáo của Vietnam Report ghi nhận rằng, đang có sự hồi phục và tăng trưởng ở phân khúc BĐS nhà ở. Cả yếu tố cung và cầu đều đang có chuyển biến tăng; nhất là được thúc đẩy bởi mặt bằng lãi suất thấp, việc nới lỏng các thủ tục pháp lý và mục tiêu mà chiến lược phát triển nhà ở quốc gia của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới là phát triển các sản phẩm nhà ở phù hợp túi tiền của người có thu nhập thấp và trung bình. Ngay từ đầu năm 2022, nhiều DN BĐS đã công bố những dự án mới, hứa hẹn những tín hiệu tích cực cho nguồn cung trong thời gian tới.
Riêng thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam được dự đoán có nhiều yếu tố thuận lợi từ vị trí địa lý, quỹ đất cho tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chảy mạnh vào Việt Nam nhờ vào sự tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết, môi trường kinh tế, chính trị ổn định và lợi thế cạnh tranh khi giá đất khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Với phân khúc thương mại văn phòng và bán lẻ, Vietnam Report cho rằng sau khi chịu những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 trong suốt hai năm qua, bước sang năm 2022, phân khúc này bắt đầu có nhiều triển vọng tích cực, nhất là trong bối cảnh cả nước mở cửa “sống chung với dịch bệnh”.