Cụ thể, TTCP cho biết, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM tại một số dự án có chất lượng chưa tốt. Trong khi đơn vị tư vấn chưa xác định được hết các yếu tố gây tác động xấu đến môi trường, một số phương án xử lý môi trường chưa phù hợp nhưng Hội đồng thẩm định chưa kịp thời phát hiện dẫn đến một số nội dung trong Báo cáo ĐTM được phê duyệt còn thiếu tính khả thi khi thực hiện trong thực tế.
Điển hình như tại Mỏ đá vôi Thun Phia xã Đức Đồng, huyện Trùng Khánh của Hợp tác xã Đoan Sâm, có đề xuất môi trường tiếp nhận nước mưa chạy tràn là hệ thống mương thủy lợi chưa đúng so với thực tế, bởi phần lớn thu gom vào các hố tự đào, rãnh thoát nước giao thông nội bộ…
Đáng chú ý, thông báo kết luận còn cho biết, đến thời điểm thanh tra, các dự án khai thác khoáng sản, trong đó có một số mỏ hết hạn giấy phép khai thác, đang làm thủ tục đóng cửa mỏ nhưng còn nợ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường hơn 5,4 tỷ đồng là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT.
Cạnh đó, việc các doanh nghiệp còn nợ phí BVMT với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng là vi phạm quy định của Chính phủ về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản. Theo TTCP, trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Cao Bằng.
Mặt khác, về đất đai đoàn thanh tra cũng chỉ ra nhiều vi phạm. Theo kết luận hiện còn 14 mỏ chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Cao Bằng, trong đó, có 02 mỏ chưa khai thác, chủ dự án đã làm hồ sơ đóng cửa mỏ, 02 mỏ tạm dừng khai thác, 05 mỏ chưa khai thác do chưa giải phóng được mặt bằng, 05 mỏ đang hoạt động; vi phạm Luật Khoáng sản năm 2010 và Luật Đất đai năm 2013.
Cũng theo TTCP, việc UBND các huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng để các đơn vị tự thuê, tự chuyển đổi hoặc chuyển nhượng đất trồng lúa của người dân để sử dụng vào hoạt động khoáng sản nhưng chưa có xác nhận về sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất đối với hoạt động khoáng sản là thực hiện chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đất trồng lúa.
Điển hình, có 02 dự án tại Mỏ Thua Phia, huyện Trùng Khánh và Mỏ Chì Kẽm Bản Bó, huyện Bảo Lâm chưa hoàn thành các công trình BVMT, chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành nhưng vẫn tiến hành khai khác là vi phạm Luật BVMT.
Ngoài ra, có 05 dự án thay đổi vị trí các hạng mục như Trạm Nghiền, Bãi thải. bãi tập kết vật liệu… so với Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt nhưng chủ đầu tư chưa báo cáo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận để triển khai thực hiện theo quy định.
“Đến thời điểm thanh tra, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn 22 điểm mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản đã hết nhưng chủ đầu tư dự án chưa lập Đề án đóng cửa mỏ. Cá biệt, có mỏ đã có quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, tuy nhiên chủ đầu tư chưa thực hiện còn các cơ quan chuyên môn của tỉnh Cao Bằng thì thiếu kiểm tra, đôn đốc như Mỏ Mangan Kha Mon, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh của Công ty CP khoáng sản NIKKO Việt Nam” – TTCP nêu rõ.
TTCP khẳng định, trách nhiệm chung đối với những sai phạm trên thuộc về UBND tỉnh Cao Bằng. Do đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt các báo cáo ĐTM, kế hoạch BVMT, việc kiểm tra, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.