Làm tốt vai trò “Cầm cân, nảy mực”
Hồi tưởng lại những ngày đầu mới vào nghề, chị Hoàng Thị Nguyệt – Chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa tâm sự: “Năm 1993, tôi được tuyển dụng vào ngành Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa và được phân công về công tác tại Tòa án nhân dân huyện Quảng Xương với chức danh là Thư ký Tòa án. Đơn vị ít thư ký, công việc nhiều, địa bàn rộng việc đi lại không được thuận lợi như bây giờ, phương tiện lúc bấy giờ chỉ là chiếc xe đạp. Khó khăn là thế, song chính những tháng ngày làm Thư ký Tòa đã cho tôi cơ hội để trau dồi chuyên môn khi giúp việc cho các Thẩm phán; học hỏi kinh nghiệm của thế hệ đi trước, của những đồng nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Bằng đam mê, lòng yêu nghề, những khó khăn, vất vả đã từng bước dần lùi xa nhường chỗ cho những trái ngọt gặt hái được trong công tác. Với bề dày kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng, năm 2002, chị Hoàng Thị Nguyệt được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm làm Thẩm phán lần đầu. Năm 2003, nữ Thẩm phán được điều chuyển về công tác tại Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa. Tại đây, chị đã đảm nhận nhiều chức vụ như: Chi ủy viên Chi bộ, Chánh tòa hình sự, Phó Chủ tịch Công đoàn - Trưởng ban nữ công.
Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dù phải đương đầu với nhiều án khó, phức tạp, song bằng bản lĩnh, trí tuệ, chị Hoàng Thị Nguyệt vẫn làm tốt vai trò của người “cầm cân, nẩy mực”, hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.
Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt chia sẻ: “Với các án hình sự, ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, đánh giá chứng cứ buộc tội, gỡ tội thì việc tranh tụng tại phiên tòa là cần thiết. Hội đồng xét xử phải thực sự khách quan, công tâm vô tư trong quá trình xét xử, phải tôn trọng lắng nghe ý kiến của các bên. Trên cơ sở tổng hợp đánh giá toàn diện các chứng cứ đã được các bên tranh tụng đưa ra và các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên xét xử công khai từ đó tuyên bản án mới có căn cứ đúng pháp luật, hợp lý, hợp tình đảm bảo các bên tranh tụng phải tâm phục khẩu phục, người dân tin vào công lý và sự công bằng của pháp luật".
Cũng theo nữ thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt, việc tranh tụng tại phiên tòa để các chủ thể tham gia tranh tụng dân chủ công bằng. Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác cũng phải được tôn trọng, tạo điều kiện để họ thực hiện quyền của mình, việc chứng minh sự vô tội hay giảm tội, giảm hình phạt đảm bảo được bình đẳng trong thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ để đem ra tranh luận tại phiên tòa. Việc đảm bảo chất lượng trong tranh tụng tại phiên tòa nhằm đánh giá toàn diện chứng cứ một cách khách quan, công bằng trên cơ sở đó đưa ra được bản án chính xác đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Chính vì vậy, các vụ án hình sự qua khối óc, bàn tay của chị luôn được đảm bảo xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan, không bỏ lọt tội phạm.
Với các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại, nữ Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt chú trọng đến công tác hòa giải, giải thích pháp luật, phân tích nội dung sự việc, thuyết phục, động viên các đương sự bàn bạc, thỏa thuận phương án giải quyết, tỷ lệ án hòa giải thành cao. Đường lối giải quyết án tốt, đảm bảo sự công bằng về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của các bên đương sự.
Nữ Thẩm phán của những sáng kiến tiêu biểu
Không chỉ là người Thẩm phán bản lĩnh, gương mẫu, chị Hoàng Thị Nguyệt còn được biết đến là một cây sáng kiến, tác giả của nhiều đề tài, sáng kiến tiêu biểu được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2017 đến nay, dù bận rộn với công việc, hay dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nào Nữ Thẩm phán cũng đóng 01 đề tài, sáng kiến hữu ích cho hoạt động của ngành.
Có thể kể tới các sáng kiến tiêu biểu như: Sáng kiến “Phối hợp với chính quyền cơ sở, các cơ quan hữu quan trong việc điều tra, thu thập chứng cứ trong việc giải quyết các loại án đạt hiệu quả cao” năm 2017; sáng kiến: “Đưa ra giải pháp lập hồ sơ khởi kiện và hòa giải ban đầu hướng cho đương sự làm đầy đủ các thủ tục, chứng cứ khởi kiện cần thiết” năm 2018; sáng kiến: “Đơn giản thủ tục tại Tòa án giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại” năm 2019; sáng kiến: “ Rút ngắn thời gian giải quyết án dân sự” năm 2020; sáng kiến “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự” năm 2021 và gần đây nhất sáng kiến “Nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự ” năm 2022.
Các sáng kiến của chị đã được triển khai và áp dụng hiệu quả trong công tác giải quyết các loại án, giúp Thẩm phán giải quyết vụ án nhanh gọn đảm bảo chất lượng, hạn chế án hủy, sửa do lỗi chủ quan.
Hết mình vì đoàn thể
Ngoài việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, với vai trò là Chi ủy viên Chi bộ, Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt đã cùng với các đồng chí trong cấp Ủy và Ban lãnh đạo đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo các đồng chí cán bộ, đảng viên trong Tòa chuyên trách do mình phụ trách và trong đơn vị thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của người cán bộ - đảng viên.
Buổi xét xử của Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt (ảnh do đơn vị cung cấp) |
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, ông Đỗ Xuân Hùng – Phó Chánh án TAND Thành phố Thanh Hóa phụ trách Tòa Hình sự cho biết: “Đồng chí Hoàng Thị Nguyệt không chỉ giỏi về chuyên môn, có nhiều sáng kiến, tận tụy với công việc. Bên cạnh đó, với vai trò là Phó chủ tịch công đoàn, Trưởng ban nữ công, đồng chí Nguyệt cùng Ban chấp hành Công đoàn luôn quan tâm đến đời sống của đoàn viên, công đoàn trong đơn vị, thăm hỏi động viên kịp thời khi bị ốm, hoặc có việc hiếu, hỷ; tích cực ủng hộ và thực hiện tốt công tác xã hội, từ thiện. Luôn quan tâm động viên các chị em nữ trong đơn vị đặc biệt các ngày lễ như Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3; ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Đồng chí Nguyệt đã cùng ban nữ công, BCH công đoàn tổ chức tọa đàm, tổ chức cho chị em đi tham quan du lịch từ đó tạo sự đoàn kết và tạo động lực tinh thần cho chị em để làm việc tốt hơn, hàng năm 100% chị em trong đơn vị đạt phụ nữ đảm việc nước giỏi việc nhà”
Là một Đảng viên - Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt luôn thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ. Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bình. Thêm nữa phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Đảng
Trách nhiệm, chính xác, công tâm, luôn nêu cao và giữ vững tính nghiêm minh của pháp luật trong vai trò của mình, Thẩm phán Hoàng Thị Nguyệt luôn được các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp và nhân dân đánh giá cao. Nhiều năm liền Nữ Chánh tòa hình sự được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành Tòa án, được tặng Bằng khen của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Giấy khen của Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa. Là điển hình tiên tiến và năm 2021, được Tòa án Tối cao công nhận là Thẩm phán giỏi.
Hiện nay, chị đang được đơn vị đề nghị cấp trên xem xét khen thưởng phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Những danh hiệu cao quý này sẽ tiếp thêm động lực để bà Hoàng Thị Nguyệt càng thêm gắn bó, có thêm những sáng kiến, cống hiến hết mình cho ngành Tòa án nhân dân, trở thành tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ noi theo.