Công bố mức thưởng Tết sớm
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm, xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5% (chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019).
Tuy nhiên trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD giảm xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, thậm chí gần 30% nếu bị cách ly dài thì mức giảm của Việt Nam được xem là khả quan nhất.
Theo báo cáo của Công ty tư vấn hàng đầu thế giới, McKinsey, lợi nhuận ngành thời trang toàn cầu đã giảm 93%, hơn 10 thương hiệu chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản. Khoảng 200.000 lao động trong các chuỗi cung ứng thời trang tại Mỹ đã mất việc làm.
Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất, nên thị phần của hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt 20% tại thị trường Mỹ, trong đó nhiều tháng đứng ở vị trí số 1 về thị phần.
Do đó, dù năm 2020 giảm 10% kim ngạch XK, lợi nhuận giảm 15%, nhưng tiền lương chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình 8,05 triệu đồng/người/tháng; giữ đủ việc làm cho 150.000 lao động. Đáng chú ý, tiền lương thực tế theo giờ tăng trên 8% và đặc biệt chưa phải nhận các khoản trợ cấp cho người lao động (NLĐ) để giữ được vị thế của doanh nghiệp (DN) trong chuỗi cung ứng.
Đây chính là lý do, theo ông Trường, mặc dù tình hình năm 2020 rất khó khăn nhưng các DN trong Tập đoàn vẫn đảm bảo mức thưởng Tết bình quân là 1,5 tháng lương, tương đương khoảng 13 triệu đồng/người (bằng 90% so với 2019), DN thưởng thấp nhất là 1 tháng lương, cao nhất là 3 tháng lương (số liệu công bố từ giữa tháng 12/2020).
Đại diện Vinatex cho biết, trong tình hình khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế, nỗ lực của các công ty thành viên trong chăm lo đời sống cho công nhân như công bố mức thưởng Tết sớm và tổ chức các hoạt động mua sắm, chuẩn bị cho Tết Tân Sửu đã làm cho công nhân trong ngành yên tâm hơn trong sản xuất và gắn bó hơn với ngành dệt may.
Tết đã rộn ràng…
Dù còn khoảng 3 tuần nữa mới đến cao điểm mua sắm chuẩn bị đón Tết nhưng với mong muốn động viên và chăm lo tốt hơn cho đời sống vật chất, tinh thần cho toàn thể đoàn viên công đoàn, công nhân, Công đoàn Dệt May (CĐDM) Việt Nam đã phối hợp với Vinatex tổ chức các chương trình Tết sớm ở các vùng miền.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ tịch CĐDM Việt Nam cho biết, công tác chăm lo cho NLĐ Xuân Tân Sửu đã được lãnh đạo Công đoàn quan tâm bằng nhiều hình thức thiết thực để NLĐ ngành dệt may đều được đón Tết trọn vẹn, ý nghĩa.
Cụ thể, trợ cấp cho gần 2.800 người NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp, khuyết tật với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng; Tặng 10 chuyến xe nghĩa tình cho công đoàn cơ sở tổ chức cho NLĐ về quê đón Tết với số tiền 83 triệu đồng. Tại cấp cơ sở cũng tổ chức chi lương tháng 13; thưởng Tết, trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vé tàu, xe, quay xổ số trúng thưởng… với tổng kinh phí lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Các hoạt động mua sắm chuẩn bị Tết cũng đã diễn ra sớm như chương trình Tết Sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình, khu vực phía Nam đã diễn ra trong khuôn viên trụ sở Tổng Công ty (TCty) Việt Thắng (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) và TCty Phong Phú từ cuối tuần trước. Chương trình có 26 đơn vị của các Công ty/TCty Phong Phú, Nhà Bè, Thắng Lợi, May Việt Thắng, Thành Công, May 10… tham gia bán hàng.
Ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều DN ngoài ngành như Vina Gio, Liên Thành, Clean House, Liêu Thanh… với các sản phẩm thiết yếu như quần áo; chăn, ga, gối; giày dép; mỹ phẩm; thực phẩm; hóa mỹ phẩm… có mức giá giảm từ 20-60%.
Hoạt động hỗ trợ chuẩn bị Tết và tri ân NLĐ khu vực miền Trung được tổ chức tại TCty Hòa Thọ (Đà Nẵng). Tại đây, mỗi NLĐ được tặng 300.000 đồng tiền mặt và một thẻ trị giá 300.000 đồng để mua sắm nhu yếu phẩm (với các mức giảm từ 5-20%), các sản phẩm của TCty giảm 30% tại Trung tâm thương mại nằm ngay bên trong cổng trụ sở TCty trong 1 tuần. Tổng số tiền chi cho hoạt động này là 4,8 tỷ đồng. Các hoạt động tương tự sẽ được tổ chức tại Nghệ An, Nam Định và Hà Nội vào cuối tuần này và tuần sau.
Đại diện Vinatex cho biết, việc tổ chức các hoạt động bán hàng trợ giá vừa là một nhằm mục đích chăm lo đời sống cho NLĐ vừa là dịp để giao lưu, kết nối giữa các DN dệt may, mang đến cho công nhân các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả phải chăng, nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho NLĐ.