Khống chế hạn mức để chống rửa tiền – có hơi “quá” không?
Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, bày tỏ băn khoăn về hạn mức giao dịch của ví điện tử được quy định tại khoản 5 Điều 9 của dự thảo. Cụ thể, hạn mức giao dịch của một Ví điện tử là 20 triệu đồng/ngày và 50 triệu đồng/tháng đối với khách hàng cá nhân; 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng đối với khách hàng là tổ chức.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp trung gian thanh toán, quy định này sẽ hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không phù hợp với nhu cầu sử dụng ví điện tử của khách hàng, đặc biệt là hạn mức theo ngày.
Nhiều loại hàng hoá, dịch vụ hiện nay như đồ điện tử gia dụng, điện thoại di động, máy vi tính, vé máy bay, đặt phòng khách sạn, tour du lịch… có mức chi trả vượt quá hạn mức 20 triệu đồng. Còn với các doanh nghiệp thì các hoạt động chi trả tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên, hỗ trợ cho đại lý bán lẻ trong các đợt khuyến mãi… có thể vượt quá hạn mức 100 triệu đồng/ngày.
Như vậy, việc đặt ra hạn mức sẽ khiến khách hàng buộc phải duy trì hai hay nhiều tài khoản thanh toán cùng một lúc. Điều này gây tốn kém chi phí xã hội rất lớn và không phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế số.
Trước lý giải của cơ quan soạn thảo, rằng quy định này nhằm “giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ”, VCCI cho rằng, các giải trình này không nêu rõ thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp nào thực hiện hành vi rửa tiền, hoạt động bất hợp pháp qua ví điện tử với giá trị giao dịch lớn, vượt hạn mức được nêu trong dự thảo.
“Hơn nữa, giải trình này cũng không rõ vì sao lại đưa ra chủ trương chính sách là “mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ” – văn bản của VCCI gửi Ngân hàng Nhà nước nêu.
Việc xác định hạn mức thanh toán nên để khách hàng tự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân, tổ chức. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị quy định theo hướng, khi khách hàng đăng ký dịch vụ các đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ để mặc định hạn mức chi trả tương ứng với quy định của dự thảo và cho phép khách hàng được điều chỉnh theo nhu cầu.
Không khống chế số lượng tài khoản ngân hàng, sao khống chế số lượng ví?
Liên quan đến số lượng ví điện tử, dự thảo quy định mỗi khách hàng chỉ được mở 01 ví điện tử tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Lý giải cho quy định này, cơ quan soạn thảo cho rằng là “nhằm tránh lãng phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng ví điện tử là không thực chất hoặc hành vi lợi dụng mở nhiều ví điện tử để thực hiện các hành vi rửa tiền, bất hợp pháp”.
Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, lý do này chưa phù hợp vì việc cơ quan nhà nước lo ngại lãng phí, mở ví tràn lan, sử dụng ví không thực chất là không cần thiết. Các doanh nghiệp và khách hàng sẽ tự đánh giá được sự lãng phí hay cần thiết của việc mở thêm ví mới.
Hơn nữa, không rõ mối quan hệ giữa việc mở nhiều ví và việc thực hiện hành vi rửa tiền, bất hợp pháp.
Trên thực tế, đối với hoạt động thanh toán qua ngân hàng, hiện nay không có quy định nào hạn chế số tài khoản thanh toán một khách hàng được mở tại một ngân hàng, cũng chưa ghi nhận tình trạng lợi dụng việc mở nhiều tài khoản thanh toán tại cùng một ngân hàng hoặc nhiều ví tại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để thực hiện hành vi bất hợp pháp. Việc chống các hành vi bất hợp pháp nên được xử lý bằng các quy định về xác thực thông tin và kiểm soát giao dịch hơn là đưa ra quy định cứng nhắc về hạn chế số lượng ví.
“Việc tách thành nhiều ví điện tử hoặc nhiều tài khoản thanh toán phù hợp với nhu cầu của một số khách hàng có nhiều giao dịch và muốn hạch toán riêng từng nhóm giao dịch. Ví dụ, một cá nhân kinh doanh có một ví dành cho chi tiêu cá nhân và một ví dành cho hoạt động kinh doanh; hoặc một số doanh nghiệp cần tách bạch chi phí cho nhân viên, chi phí hoặc doanh thu cho đại lý bán lẻ, hoặc chi phí cho từng chương trình khuyến mãi…” – VCCI nhận định. Vì thế, đơn vị này đề xuất bỏ quy định về hạn chế số lượng ví điện tử.