Sức mạnh cảm hóa trên hành trình cải tạo, hoàn lương: Bài 7: Động lực giúp phạm nhân 72 tuổi nhiễm HIV được giảm 13 năm tù

Trung tá Bùi Hữu Thuật. (Ảnh: Minh Trang)
Trung tá Bùi Hữu Thuật. (Ảnh: Minh Trang)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tá Bùi Hữu Thuật (cán bộ quản giáo Trại giam Yên Hạ (Sơn La) quan niệm công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân, giúp họ trả hết án; mà còn cần có trách nhiệm giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tâm trong mỗi phạm nhân. Đặc biệt với những đối tượng phạm nhân là người cao tuổi, sức khỏe kém, càng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và sự sẻ chia... của người quản giáo.

Dành thời gian tìm hiểu từng phạm nhân

Sinh ra trong một gia đình nhà nông đông con, được sự động viên của anh trai, sau khi học hết cấp 3, chàng trai Bùi Hữu Thuật quyết định đi nghĩa vụ trong lực lượng công an. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, được xét vào chuyên nghiệp, anh được cử đi học Trung cấp, rồi Đại học Cảnh sát nhân dân.

Năm 1999, về công tác tại Trại giam Yên Hạ đóng trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, đường đi xa xôi, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khí hậu khắc nghiệt... nhưng anh tâm sự luôn cảm thấy may mắn vì được làm việc với một tập thể đơn vị đoàn kết, những cán bộ, chiến sĩ nhiệt huyết, luôn nêu cao trách nhiệm với công việc.

Trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, năm 2014, anh tiếp nhận vị trí quản giáo với 20 phạm nhân đầu tiên. Thấm thoát ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 25 năm, cũng là 1/4 thế kỷ miệt mài với công việc cảm hóa những người lầm lỗi.

Trung tá Thuật tâm sự, phạm nhân mỗi người đều có những tính cách, cung bậc cảm xúc tâm lý khác nhau; nên tùy vào từng hành vi phạm tội và mức án, cán bộ quản giáo cần dành thời gian nghiên cứu để tìm giải pháp phù hợp, giáo dục cho từng phạm nhân.

Công tác ở nơi từng được mệnh danh “Trại giam khó khăn nhất miền Bắc”, cách TP Sơn La hơn 100km đường đèo dốc với trập trùng đồi núi bao quanh; phạm nhân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế và thiếu hiểu biết pháp luật; nhưng Trung tá Thuật tâm sự chưa khi lần cảm thấy “nản” với công việc.

“Tôi quan niệm làm bất cứ công việc nào cũng vậy, cần phải thực sự yêu nghề. Dù công việc có vất vả, nhàm chán nhưng chỉ cần có tình yêu nghề thì không điều gì có thể làm khó bản thân mình. Với người quản giáo, cần rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yêu công việc mình đã lựa chọn, theo đuổi và gắn bó đến cùng. Đã yêu nghề thì việc khó sẽ hóa khó bình thường, việc bình thường hóa dễ”, Trung tá Thuật nói.

Nhờ tình yêu và niềm đam mê với công việc mà những cán bộ trại giam nói chung và Trung tá Bùi Hữu Thuật nói riêng đã góp phần giúp gột rửa những lỗi lầm, thức tỉnh lương tri để làm lại cuộc đời cho các phạm nhân. Với các cán bộ, chiến sĩ trại giam, trách nhiệm với công việc, tình yêu nghề cũng chính một trong những yếu tố giúp các anh, các chị vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc.

“Để hiệu quả trong quá trình giáo dục cải tạo, với tất cả những phạm nhân phạm các tội nguy hiểm nhất, người cán bộ đều phải tìm hiểu về tích cách, đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh phạm tội… rồi nắm bắt được các đặc điểm quan trọng, các mặt tích cực và tiêu cực của phạm nhân để đưa ra phương án giáo dục phù hợp. Từ đó tác động giúp phạm nhân hạn chế những tật xấu, phát huy những đức tính tốt, dần đẩy lùi yếu tố tiêu cực trong từng người”, Trung tá Thuật chia sẻ.

Trung tá Thuật quan niệm công việc của một người quản giáo không chỉ đơn thuần là trông giữ phạm nhân, giúp họ trả hết án. Cao hơn thế, người cán bộ cần có trách nhiệm giáo dục, cảm hóa làm thức tỉnh lương tâm trong mỗi phạm nhân, giúp họ biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được về với gia đình. Và để làm được điều đó, trước hết phải xuất phát từ tình người.

“Quản lý con người đã khó, quản lý phạm nhân còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Ban đầu người cán bộ quản giáo và phạm nhân có thể ở hai thái cực “đối kháng” nhau, nhưng trải qua quá trình tiếp xúc, gạt bỏ đi những yếu tố đối kháng, hai phía dần có tình cảm, hiểu về nhau hơn. Đôi khi phải giống như người bạn cùng trò chuyện, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân, để từ đó thấu hiểu và cảm hóa họ”, Trung tá Thuật tâm sự.

Phạm nhân đặc biệt ở Trại Yên Hạ

Hiện nay, Trung tá Bùi Hữu Thuật đang quản lý một đội phạm nhân độ tuổi từ gần 50 đến trên 60 tuổi. Đây đều là những phạm nhân có độ tuổi khá cao, sức khỏe đã có phần giảm sút, lại chấp hành án khá tốt nên Trung tá Thuật đánh giá công việc của mình đôi lúc “khá nhàn”. Thế nhưng, nhàn không có nghĩa là không gặp khó khăn.

Với những phạm nhân tuổi cao, mắc bệnh nặng thì trách nhiệm của người cán bộ quản giáo trực tiếp lại càng cao hơn. Bởi vì nhiều người tuổi đã ngoài 50, 60 nhưng vẫn còn nhiều năm chấp hành án, thậm chí có người còn hàng chục năm, nên có thể mang tâm lý chán nản, chây ỳ. Không phải phạm nhân cao tuổi nào cũng dễ dàng thuyết phục, mà đây là cả một quá trình dài và người cán bộ phải thực sự kiên trì.

Trung tá Thuật kể về 1 trường hợp phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Yên Hạ năm nay đã 72 tuổi tên Nguyễn Vui (tên người chấp hành án trong bài viết đã được thay đổi, SN 1952, quê Hà Nội) vào tù từ năm 55 tuổi do phạm tội mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép chất ma túy; tàng trữ, lưu hành tiền giả; với tổng mức án 30 năm tù giam. Đặt ví dụ nếu không được giảm án, thì khi ra trại, phạm nhân này đã gần 90 tuổi. Thậm chí với người bình thường trong xã hội, với các điều kiện ăn ở, sinh hoạt làm việc bình thường, thì chưa chắc đã sống đến được tuổi đó.

Éo le hơn nữa, phạm nhân này còn bị nhiễm HIV, là căn bệnh có thể bào mòn sức khỏe người ta rất nhanh. Nếu không rèn luyện sức khỏe, tinh thần không vững vàng, thì cứ dần héo hon, gầy mòn, kiệt quệ.

Các cán bộ trại giam xác định với trường hợp phạm nhân này, phải dành nhiều thời gian, công sức để giúp đỡ, tạo điều kiện như cho làm các công việc nhẹ nhàng và tập trung giáo dục, cảm hóa.

Khi mới về trại, phạm nhân này do tuổi cao, cộng với sức khỏe kém vì nghiện ma túy dẫn tới bị nhiễm HIV, nên luôn có tâm lý tiêu cực, chán nản sẽ không có ngày được hoàn lương, thậm chí có khi xác định “sẽ chết ở trong tù”.

Giáo dục, cảm hóa phạm nhân này là cả một quá trình. Từ việc tạo điều kiện làm các công việc phù hợp, động viên tham gia các hoạt động văn hóa trong trại. Rồi ngày ngày động viên, cổ vũ phạm nhân vượt qua những cơn thèm ma túy để cai nghiện. Các cán bộ cũng thường xuyên dùng sự tác động từ phía gia đình phạm nhân, để phạm nhân này xoay đổi suy nghĩ, dần dần lấy lại được niềm tin, động lực để lao động, cải tạo tốt. Từ một người luôn suy nghĩ chán nản, không muốn hợp tác cải tạo; thì giờ đây, có thể nói sự kỳ diệu đã xảy ra. Phạm nhân đã cai nghiện hoàn toàn chỉ sau một thời gian, vẫn đủ sức khỏe thể lực và tinh thần để chống chọi HIV, nay đã 72 tuổi và quá trình cải tạo rất tốt, được giảm án 13 năm tù, nghĩa là gần một nửa bản án. Dự kiến ngày 30/5 tới đây phạm nhân này sẽ được mãn hạn tù, trở về với gia đình và xã hội.

“Phạm nhân này chính là minh chứng, là niềm động viên, là nguồn cảm hứng cho các phạm nhân khác học tập, noi theo. Dù trong cuộc đời, đã từng sa chân nhưng chỉ cần biết quay đầu, hối cải, mong muốn làm lại cuộc đời, cố gắng lao động, học tập, cải tạo tốt thì ngày về rất gần”, nam cán bộ quản giáo bày tỏ.

Trong ký ức của Trung tá Thuật, phạm nhân Khang A Tình (người dân tộc Mông, quê Yên Bái), phạm tội từ khi mới 18 tuổi, cũng là một trường hợp rất đáng nhớ.

Suốt những năm tháng tuổi thơ và đi học, Tình mơ ước trở thành giáo viên, viết chữ rất đẹp. Nhưng nhà nghèo, không có tiền đi học đại học nên Tình về quê, “túng quá làm liều”, theo đối tượng xấu vận chuyển ma túy và bị bắt tại Sơn La, phải chấp hành án 15 năm tù.

“Trong những năm quản lý Tình, nghe anh ta kể về ước mơ, về hoàn cảnh gia đình, tôi thấy vô cùng tiếc nuối. Tôi đã luôn động viên, giúp đỡ Tình cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được đặc xá. Tôi nhận thấy, nếu như gia đình phạm nhân này không quá nghèo khó; nếu Tình được học hành tử tế thì đã có thể trở thành một người có ích cho xã hội. Chỉ mong mọi người dân không ai nghèo khổ, hiểu biết hơn; để không ai phải sa chân vào con đường tội lỗi, không ai phải bỏ lỡ ước mơ như Tình”, Trung tá Thuật bộc bạch.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Bị can Ngô Phụng Tuấn

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Đọc thêm

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu
(PLVN) - Trong quá trình trông giữ, quản lý các cháu, bà T.T.B đã có những hành vi như dùng tay đánh đập vào miệng, vào mặt, giật tóc; dùng thìa inox, chiếc điều khiển của tivi đập vào miệng các cháu bé nhằm mục đích ép các cháu ăn, uống.

Bạc Liêu: Cảnh giác “tín dụng đen” dịp cuối năm

Bạc Liêu: Cảnh giác “tín dụng đen” dịp cuối năm
(PLVN) - Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm mà các đối tượng “tín dụng đen” lợi dụng, tung các chiêu trò dụ dỗ người dân với phương thức mới: cho vay thông qua các phần mềm, ứng dụng online trên điện thoại di động, các website, mạng xã hội Facebook, Zalo.