Sức khỏe tâm thần người lao động tại nơi làm việc: Cần quan tâm đúng mực

Người lao động thường gặp vấn đề liên quan đến lo âu, căng thẳng, trầm cảm,… (Hình minh họa: vov.vn)
Người lao động thường gặp vấn đề liên quan đến lo âu, căng thẳng, trầm cảm,… (Hình minh họa: vov.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Là quyền cơ bản của con người, bất kể ở đâu mọi công dân đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, tại nơi làm việc, sức khỏe tâm thần chưa được chú trọng đúng mức, chưa được xếp vào các loại bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội theo Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Căng thẳng tại nơi làm việc

Những năm qua, cụm từ sức khỏe tâm thần đã trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng. Sức khỏe tâm thần là một phần không thể thiếu của sức khỏe toàn diện và có mối liên hệ chặt chẽ với sức khỏe thể chất. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tâm thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.

Chính vì có thể chịu tác động bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài nên bất kỳ ai cũng có thể gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo số liệu được công bố, ở nước ta tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn với 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...

Những con số trên không chỉ phản ánh thực trạng sức khỏe tâm thần tại Việt Nam mà còn cho thấy một thực tế, cuộc sống ngày càng hiện đại mang lại cho con người nhiều tiện ích, niềm vui, song cũng tạo ra những áp lực, căng thẳng vô hình cho họ. Những áp lực, căng thẳng đó có thể đến từ những môi trường như nhà ở, chỗ làm, trường học và thậm chí những địa điểm xã hội. Theo đó, nơi làm việc là một trong những môi trường có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần, áp lực công việc gây ảnh hưởng và có liên quan trực tiếp đến các bệnh tâm thần phổ biến của người lao động.

Theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), áp lực tại nơi làm việc là điều khó tránh khỏi do yêu cầu của môi trường làm việc hiện đại. Tuy nhiên, khi áp lực đó trở nên quá mức hoặc không thể kiểm soát được, nó sẽ dẫn đến căng thẳng. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), WHO, có đến khoảng 42% người lao động tại Việt Nam thường xuyên gặp căng thẳng. Bên cạnh đó, người lao động, nhân viên còn gặp vấn đề liên quan đến lo âu, trầm cảm, mất tập trung, suy giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc,…

Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể kể đến như: điều kiện làm việc kém; công việc bị quá tải; áp lực thời gian, doanh số; nơi làm việc nhiều nguy cơ rủi ro; thiếu bảo đảm việc làm và tương lai, có quá nhiều hứa hẹn nhưng không được thực hiện; quan hệ không tốt với lãnh đạo, cấp dưới, hoặc đồng nghiệp, gặp khó khăn trong việc giao công việc và trách nhiệm; môi trường làm việc chưa ổn;…

Một số ngành nghề có số lượng người lao động bị căng thẳng cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, y tế chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày. Điển hình trong ngành y tế chăm sóc sức khoẻ, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, có trên 45% nhân viên y tế có tình trạng căng thẳng, 25,8% có triệu chứng của rối loạn lo âu và 24,3% có triệu chứng trầm cảm.

Đáng chú ý, bên cạnh các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, căng thẳng thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tim. Khi lo lắng, làm gia tăng xu hướng ngủ không ngon giấc, có khả năng gây béo phì, kích thích hút thuốc nhiều hơn… gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Phổ biến tiếp theo là các bệnh đường tiêu hoá, mặc dù căng thẳng không gây ra các vết loét ở đường tiêu hóa nhưng có thể khiến tình trạng viêm loét trở nên nặng hơn. Đây cũng là yếu tố thường thấy trong nhiều vấn đề khác ở đường tiêu hóa như bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích. Đồng thời, căng thẳng có thể làm cho các bệnh mãn tính khác có nguy cơ trầm trọng hơn.

Chú trọng sức khỏe tâm thần cho người lao động

Sức khỏe tâm thần không tốt không chỉ gây hại tới sức khỏe người lao động mà còn dẫn đến giảm năng suất của doanh nghiệp, thiệt hại kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Do đó, việc quan tâm, chăm lo sức khỏe tâm thần người lao động, loại bỏ các yếu tố căng thẳng trong lao động là điều cần thiết giống như xây dựng các quy tắc về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, hiện nay sức khỏe tâm thần người lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Thực tế, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động thường coi nhẹ vấn đề sức khỏe tâm thần. Thay vì tập trung vào cả hai khía cạnh của sức khỏe - cả thể chất và tinh thần - họ thường chỉ tập trung vào sức khỏe thể chất. Vì vậy, để sức khỏe tâm thần của người lao động được quan tâm đúng mức, trước hết, phải thay đổi nhận thức của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chính bản thân người lao động bằng cách thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc chú trọng đến sức khỏe tâm thần là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao ý thức về trạng thái tâm thần và cảm xúc.

Sự tăng cường nhận thức còn góp phần thúc đẩy nỗ lực trong việc cung cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ tăng cường lãnh đạo, điều hành trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần; nâng cao sức khỏe tâm thần và dự phòng các rối loạn tâm thần; củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, cung cấp chương trình hỗ trợ thực tiễn cho những người lao động có vấn đề về sức khỏe tâm thần (như gói tham vấn, trị liệu tâm lý...).

Đồng thời, cần xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc thay vì chỉ chú trọng hiệu suất cao. Nếu môi trường làm việc có sự yêu thương, chăm sóc cho nhau, sẽ đem lại hiệu suất công việc cao lâu dài. Với người lao động, phải biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nếu càng cố gắng làm việc hết công suất càng dễ rơi vào căng thẳng, kiệt quệ, ảnh hưởng thể chất và tinh thần, từ đó ảnh hưởng năng suất lao động. Khuyến khích người lao động chăm sóc bản thân và tìm kiếm giải pháp để duy trì sức khỏe tâm thần tốt.

Nhân viên y tế thường có biểu hiện căng thẳng nghề nghiệp do áp lực công việc.(Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Nhân viên y tế thường có biểu hiện căng thẳng nghề nghiệp do áp lực công việc.(Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Thứ nữa, cần có hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng, cụ thể hơn đối với thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội với các bệnh tâm thần. Hiện, các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần cụ thể là căng thẳng nghề nghiệp chưa được xếp vào loại bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội/bệnh liên quan đến nghề nghiệp theo Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Trong khi đây là yếu tố gây tổn thương chủ yếu cho hệ thần kinh, góp phần làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tim mạch, cơ xương khớp cũng như tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm do thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều áp lực. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng 50 - 60% trường hợp nghỉ làm việc có liên quan đến tình trạng căng thẳng nghề nghiệp.

Do đó, những kiến nghị thích hợp đối với Nhà nước, các cơ quan chức năng như: Y tế, Bảo hiểm xã hội sẽ góp phần giúp việc chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày một tốt hơn. Đưa ra các giải pháp bảo đảm tính tiếp cận, khả năng chi trả và bao phủ y tế toàn dân trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người, trong suốt cuộc đời, trong đó chú trọng đến nhóm người lao động và các nhóm yếu thế khác.

Ngày nay, an toàn, vệ sinh lao động không chỉ tập trung vào việc ngăn ngừa tai nạn lao động mà cần đi sâu vào việc xây dựng các quy trình và biện pháp an toàn, cũng như cải thiện điều kiện lao động. Đặc biệt, việc cải thiện điều kiện lao động và giảm căng thẳng tại nơi làm việc được đánh giá là vấn đề cấp bách, cần được chú trọng trong sự phát triển của xã hội hiện đại.

Đọc thêm

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024
(PLVN) -  Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với Công đoàn Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 95 năm thành lập và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn. Các hoạt động nổi bật của tổ chức công đoàn đã không chỉ củng cố niềm tin của người lao động, mà còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi
(PLVN) -  Sáng 13/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi TP Hà Nội năm 2024 nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Sự kiện có sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tại sao thí sinh 'lệch' khối thi xã hội?

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

(PLVN) - Năm 2024, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây..

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'

Toạ đàm về 'Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên'
(PLVN) - Chiều nay, 12/12, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội toạ đàm về “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với thanh niên, sinh viên” tại Báo Pháp luật Việt Nam.