Như PLVN đã đưa tin trong bài Khách hàng tố Samsung thoái thác trách nhiệm bảo hành, thay linh kiện không đạt chuẩn, anh Nguyễn Tăng Vĩnh Phú (nghệ danh Tommy Nguyễn, SN 1977, trú tại 196/6 Tô Ký, Phường Tân Chánh Hiệp, Q12 TP. Hồ Chí Minh) tiếp tục tố trạm bảo hành của công ty Samsung Vina số 395 - 397 A đường Cộng Hòa, phường 13, Quận Tân Bình “đem con bỏ chợ”, thờ ơ với sự nguy hiểm của khách hàng đang phải đối mặt.
Không thỏa mãn với câu trả lời thoái thác, thiếu trách nhiệm của nhân viên bảo hành của Samsung, anh Phú bỏ điện thoại lại trạm bảo hành. Ít ngày sau, anh Phú nhận được điện thoại của một người đàn ông tự xưng là Giám đốc của trạm bảo hành đó. “Người này nói điện thoại của tôi sẽ được khắc phục xong trong ngày thứ 7 ngày 27/9. Nghe vậy tôi bảo mình quá chán rồi, chẳng muốn đến nữa thì người này nói sẽ cho người mang tới cho tôi. Tôi đã thử tin thêm lần nữa nhưng tiếp tục nhận được “quả đắng”, anh Phú cho biết.
Những lời nói của vị Giám đốc trạm bảo hành chỉ là “nói suông”. Bởi chiều thứ 7 ngày 27/9, anh Phú không nhận được bất kể cuộc gọi nào của ai ở trạm bảo hành. Quá bức xúc, anh Phú gọi điện vào số di động của người tự xưng là Giám đốc trạm bảo hành hỏi về tình hình của chiếc điện thoại.
Anh Phú cho biết: “Vị giám đốc kia nói chỉ đổi cho tôi cục pin mới và bảo hành trong 3 tháng. Việc điện thoại bị hư, tự nhiên bị lỗi sau khi thay thế linh kiện, ông ta không biết. Chung quy lại lỗi vẫn ở cục pin, không phải do những cái khác, nghe thật vô lí. Nếu lỗi do cục pin thì tại sao tôi mua và đổi nhiều lần vẫn bị thế. Chẳng lẽ mấy chục cục pin, cục nào cũng bị lỗi. Pin báo ảo là 35% rồi có khi là 15% anh nghĩ là do pin chứ không phải do máy? Đến ông Giám đốc trạm bảo hành cũng thoái thác trách nhiệm như vậy, tôi biết phải làm sao?”
“Ông ta đổi cho tôi cục pin mới và bảo hành 3 tháng mà không làm rõ nguyên nhân vì sao máy bị như thế. Rồi nó lại hỏng, tôi lại mất tiền mua cục pin để thay. Nhưng nếu nó lại phồng to như cục pin cũ, đe dọa có thể nổ bất kể lúc nào thì sao. Samsung là một tập đoàn lớn, vậy mà chế độ bảo hành của nó khiến tôi không hài lòng chút nào”, anh Phú than thở.
“KTV nói điện thoại của tôi hỏng main board, nghe lời, tôi đồng ý thay. Thay main board xong, máy càng hỏng hơn. Pin báo ảo, sạc không vào, bảo chỗ sạc pin tiếp giáp máy bị hỏng, tôi lại bỏ gần 1 triệu để thay… Tính đến nay tôi đã bị dụ dỗ thay thế linh kiện tới gần chục triệu đồng trong khi những linh kiện cũ của tôi vẫn hoạt động tốt vì vị giám đốc kia, nói lỗi do cục pin, không phải do các lỗi khác”. Anh Phú bức xúc.
Ngoài ra, khi hỏi đến người nhân viên từng thoái thác trách nhiệm khi anh Phú hỏi tư vấn về những trục trặc của chiếc điện thoại, người nhân viên này đã nói mình nghỉ việc. Thực tế, người nhân viên này không nghỉ việc, vẫn làm bình thường, vị Giám đốc nói không biết vì mình chỉ làm tốt việc ở trên. Chỉ khi có chuyện lớn xảy ra, ông ta mới phải giải quyết.
“Phải chăng đây là cách "dạy" nhân viên thoái thác trách nhiệm của trạm bảo hành này”, anh Phú ngán ngẩm. Chia sẻ với PV, anh Phú cho biết anh rất thất vọng và chán nản khi thấy chế độ bảo hành của Samsung theo kiểu “đem con bỏ chợ” và thờ ơ với sự nguy hiểm có thể xảy ra với khách hàng như vậy./.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của sự việc này...
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com