Thông tin từ Bộ Công an, đến 14/3, cơ quan điều tra đã thu được trên 1.238,8 tỷ đồng tiền mặt (trong đó có 20 căn hộ trị giá gần 193 tỷ đồng), 12 xe ô tô (chưa định giá) và nhiều sổ tiết kiệm.
Theo các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có VTV, tờ báo hình đến với mọi nhà thì số lượng tiền, vàng và tang vật trong vụ án này lớn đến mức cơ quan điều tra phải điều đến 4 ô tô, thậm chí có lúc còn phải huy động cả xe ô tô tải để vận chuyển.
Trong một lần khám xét tại một địa chỉ ở Quảng Ninh, cơ quan điều tra phát hiện nhiều tỷ đồng được Phan Sào Nam che đậy sơ sài trong 2 thùng gỗ lớn cất trong gara ô tô. Chiếc ô tô 7 chỗ của cơ quan tố tụng đã không thể chở hết số tiền mà phải thuê thêm xe tải.
Một lần khác, tại TP HCM, cơ quan điều tra phải mất nhiều công sức trong đêm để vận chuyển số vàng và đôla trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng mà Phan Sào Nam có ý định chuyển hóa vào bất động sản. Cơ quan điều tra phải đếm số vàng và đôla này từ 20h hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau mới xong. Thậm chí, khi đưa đến Nội Bài, lực lượng chức năng phải dùng tới 4 ô tô mới chở hết số tiền, vàng này.
Tiền đâu mà lắm thế? Tiền lắm thế, thảo nào ông Nguyễn Thanh Hóa “thế chấp” cả lon tướng vào cờ bạc. Họ sử dụng tiền làm gì? Theo thông tin đã được công bố trên báo chí thì sau khi chiếm hưởng, các đối tượng tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài (Phan Sào Nam gửi 3,5 triệu USD tại Bank of Singapore),...
Thưa bạn đọc, đó chính là rửa tiền, biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”. Rửa tiền là hành vi không dễ nhưng bản chất của việc rửa tiền là phải làm cho đồng tiền mất dấu và cuối cùng là cơ quan chức năng không thể lần ra được nguồn gốc “tiền bẩn” ban đầu. “Rửa tiền” cao cấp là phải biến báo cho dòng tiền chạy từ quốc gia này sang quốc gia kia, từ hàng hóa nọ sang hàng hóa kia và từ ngân hàng nọ sang ngân hàng kia nhưng thường phải qua biên giới.
Lợi dụng bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã trở thành đích nhắm của tội phạm quốc tế để thực hiện hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, hành vi rửa tiền chỉ xuất hiện khá rõ nét trong những năm gần đây thông qua các phương thức, thủ đoạn như: đầu tư mở tài khoản, kinh doanh chứng khoán, đánh bạc, chuyển ngoại hối trái phép ra nước ngoài, sử dụng thẻ tín dụng… Hành vi của các đối tượng trong vụ đánh bạc “đình đám” công nghệ cao liên quan đến tướng Hóa cho thấy rõ điều đó.
Đẩy lùi tội phạm rửa tiền đang “tấn công” Việt Nam thời kỳ hội nhập, không còn là chuyện có thể “tơ lơ mơ” được nữa rồi.