Nhiều tín hiệu khả quan
Dự kiến tới hết năm 2021, Khánh Hòa sẽ đón 9.400 lượt khách quốc tế, còn Đà Nẵng sẽ đón đón 11.500 lượt. Về thị trường nội địa, lãnh đạo Tổng cục du lịch nhận định có dấu hiệu khởi sắc. Đơn cử, Khánh Hòa đón hơn 522.000 lượt, tăng mạnh so với tháng trước. Hà Nội phục vụ hơn 300.000 lượt, Quảng Ninh đón hơn 170.000 lượt, Lào Cai cũng đón hơn 55.000 lượt.
Đó là một số thông tin đáng chú ý nhất về du lịch Việt Nam đã được công bố tại Diễn đàn du lịch toàn quốc trực tuyến về “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây.
Tại diễn đàn, các đại diện từ khối nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia cùng chia sẻ và bàn luận những giải pháp từng bước phục hồi ngành du lịch một cách bền vững trong bối cảnh "sống chung" cùng dịch bệnh, tuân thủ đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Diễn đàn |
Cụ thể, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: "Để nắm bắt các cơ hội phục hồi ngành du lịch, ngoài sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cần tích cực nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp để chung tay vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Hoạt động du lịch cần được khôi phục theo phương châm Du lịch an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn với các giải pháp và lộ trình cụ thể".
Theo đó, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với một số điểm đến trọng điểm như Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt mở cửa đón thêm nhiều đoàn khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 12. Tổng cục tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khởi động chương trình phục hồi du lịch nội địa "Du lịch an toàn-trải nghiệm trọn vẹn" kèm theo chương trình kích cầu cuối năm và kéo dài sang năm 2022.
Tuy nhiên, tuỳ theo tình hình biến chủng mới Omicron, kế hoạch đón khách quốc tế sẽ được cập nhật, điều chỉnh phù hợp theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Trong tình hình bình thường mới, sự an toàn là yếu tố hàng đầu, là yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch.
Cần giải pháp toàn diện, đường dài
Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn đối với du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Các chỉ tiêu du lịch tiếp tục giảm sâu, ước tính khách du lịch nội địa 10 tháng chỉ đạt 32,3 triệu lượt (bằng 44,7% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, khách lưu trú chỉ đạt 16,2 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 138.150 tỷ đồng.
Cần mau chóng tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững |
Cũng trong năm 2021, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành du lịch vượt qua khó khăn đã được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều cần thiết là một lộ trình phục hồi và phát triển du lịch bền vững, mà những giải pháp trước mắt và lâu dài để làm được điều này đòi hỏi các nhà chính sách, cơ quan chức năng phải kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch "vượt khó".
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các hoạt động chủ yếu trong du lịch vẫn không ngừng thay đổi để đảm bảo yêu cầu mới từ xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến du lịch. Điều này đòi hỏi những người làm du lịch phải thích ứng và phát triển bền vững.
Một số ý kiến chuyên gia khác đóng góp cho việc khôi phục bền vững du lịch Việt Nam bao gồm: Các doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch các địa phương cần tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và an toàn trong bối cảnh bình thường mới; thúc đẩy liên kết du lịch với các vùng miền, chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; cần một chính sách nhất quán, lâu dài từ Trung ương tới địa phương để làm căn cứ cho các ngành, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi...