- Thưa Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh, qua nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực luật pháp về quyền con người, theo bà công ước Bắc Kinh đã đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam?
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh: Trước hết, tuyên bố Bắc Kinh là một văn bản mềm, tuy nhiên lại có giá trị rất là quan trọng. Đó là làm mới những công ước quốc tế mà Việt Nam đã từng ký kết và tham gia, đặc biệt là công ước quốc tế CEDAW, một công ước quan trọng chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Theo tôi, tuyên bố Bắc Kinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lồng ghép giới vào trong các chương trình xây dựng luật pháp, chính sách ở Việt Nam thay đổi rất nhiều vấn đề liên quan tới giáo dục dành cho phụ nữ, chống lại bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới, đặc biệt ở nước ta trong thời gian vừa qua.
- Với kinh nghiệm và nghiên cứu của mình trong lĩnh vực nhân quyền, theo bà, các định kiến giới hay chuẩn mực xã hội, văn hóa ảnh hưởng thế nào tới việc thụ hưởng quyền của phụ nữ và truyền thông có vai trò như thế nào trong việc thay đổi những chuẩn mực xã hội có hại này?
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh: Định kiến giới cũng như chuẩn mực xã hội, văn hóa có thể đặt lên áp lực cho phụ nữ và cũng có thể đặt lên áp lực cho nam giới.
Trong một số trường hợp, những định kiến giới và những chuẩn mực văn hóa sẽ tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích của trẻ em gái.
Tôi thấy rằng định kiến giới những chuẩn mực xã hội mang tính áp đặt và những vấn đề văn hóa, liên văn hóa, vẫn là những vấn đề được tranh cãi hiện nay ở trên toàn cầu.
Cho tới nay, dường như chưa phải hoàn toàn kết thúc, ví dụ như có một số các tập tục ở trên thế giới như là cắt ngực hoặc là cắt âm vật với những trẻ em trong độ tuổi 10-14 tuổi, tức là cái lứa tuổi dậy thì lứa tuổi định hình ở một đứa trẻ nhưng mà vì theo quan điểm của tập tục văn hóa đó phải làm như vậy mới trở thành cái người phụ nữ chính chuyên, mới trở thành người phụ nữ chuẩn mực.
Liên Hợp Quốc đã rất nhiều lần ra những khuyến nghị kêu gọi phải xóa bỏ những tập tục đó.
Tuy vậy, đến nay, ở một số nơi, nó vẫn đang tồn tại và ảnh hưởng tới rất nhiều triệu trẻ em gái trên thế giới.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã từng có những tập tục được gọi là hủ tục và chúng ta cũng đã rất là tích cực để xóa bỏ nó.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang tồn tại một số tập tục có thể ảnh hưởng tới quyền thụ hưởng một cách đầy đủ đối với người phụ nữ. Chẳng hạn như tảo hôn, tỷ lệ tảo hôn đặc biệt ở các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc cũng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được học tập hay quyền được làm việc của trẻ em gái.
Những hủ tục khác mang tính biến tướng, ví dụ như hủ tục bắt vợ. Tập tục bắt vợ là một tập tục rất tốt đẹp, không phải là tập tục xấu, nhưng nó lại bị biến tướng bởi sẽ bắt những bạn gái trong độ tuổi dưới 16 tuổi, độ tuổi được coi là trẻ em ở Việt Nam. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền được kết hôn và lập gia đình một cách bình đẳng bình đẳng trong hôn nhân cũng như bị ảnh hưởng tới những quyền liên quan tới thể chất và tinh thần của một trẻ em gái.
- Vậy theo bà, phải làm gì để xóa bỏ những nguy cơ này?
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh: Theo tôi, một mặt là chúng ta sẽ phải tiếp tục luật hóa các quy định mạnh mẽ hơn nữa trong những văn bản pháp luật liên quan tới phòng chống bạo lực gia đình hay luật để bình đẳng giới và một mặt khác là vai trò quan trọng của chính quyền nhà nước. Đặc biệt là chính quyền địa phương cũng như là các tổ chức hội, ví dụ như Hội những người phụ nữ.
Ví như nhà trường - nơi có thể nói với các trẻ em gái rằng các em cần thiết phải đi học, chưa nên đi lấy chồng, tuyên truyền với gia đình các em về điều đó, để người dân từ bỏ những tập tục chưa được gọi là tốt đẹp, nếu không nói là những hủ tục chúng ta vẫn còn đang tồn tại hiện nay.
Mặt thứ 2, đóng vai trò rất là quan trọng cho việc thay đổi các định kiến giới đó, không đặt áp lực lên người phụ nữ và cũng không đặt lên áp lực cho người nam giới. Để đi đến cái sự bình đẳng thực chất giữa cả 2 giới đòi hỏi vai trò rất quan trọng của một thiết chế đặc biệt, đấy chính là truyền thông và báo chí.
Thông qua truyền thông và báo chí, chúng ta có thể đưa đến cộng đồng những hiểu biết về sự bình đẳng giới thực chất nó là như thế nào?
Như Bác Hồ đã từng nói, bình đẳng giới không hề dễ dàng, không phải là hôm nay em nấu cơm, anh rửa bát, ngày mai em lại rửa bát, anh nấu cơm, thế là bình đẳng, đó chỉ là bình đẳng hình thức. Vì vậy để đạt được bình đẳng thực chất thì cả nam giới và phụ nữ đều cần phải hiểu cái quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác.
Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hồng Thúy trao đổi cùng Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh |
- Bà có thể chia sẻ thêm một số thông tin liên quan đến sự thay đổi về nhận thức của xã hội, liên quan đến việc thụ hưởng quyền của phụ nữ trong thời đại hiện nay.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh: Nói về thụ hưởng quyền lợi của người phụ nữ trên thế giới, chúng ta thấy rằng, đó là một sự nghiệp dường như chưa dừng lại - ngay cả với những quốc gia rất phát triển chứ không phải chỉ dừng lại ở các quốc gia đang phát triển. Vì như đến Thụy Điển, người ta vẫn tiếp tục ban hành những chính sách trong những năm gần đây để đạt được sự bình đẳng giới giữa nam và nữ. Rõ ràng, nó là một trong những thách thức đối với Việt Nam của chúng ta.
Trong những năm vừa rồi, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đạt được tỷ lệ bình đẳng giới rất tiến bộ và tích cực. Tiêu biểu trong những việc thực hiện các quyền về dân sự chính trị, chẳng hạn như việc tham gia của phụ nữ trong Quốc hội chiếm tỷ lệ 30,26%, trong khi tỷ lệ phụ nữ là đại biểu Quốc hội trên toàn cầu chỉ có hơn 25%. Đó là một điểm rất tiến bộ, tích cực của Việt Nam chúng ta.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các quyền con người khác, chẳng hạn như các quyền trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, người phụ nữ của chúng ta cũng được tham gia vào quá trình lao động và tỷ lệ người phụ nữ tham gia lao động ở Việt Nam là hơn 70%, cao hơn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Đó là niềm tự hào để thấy rằng, người phụ nữ của chúng ta đã tự tin hơn trong công việc của mình. Tôi nghĩ rằng, cũng là có sự đóng góp vai trò quan trọng của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy các chính sách liên quan tới thực hiện tuyên bố Bắc Kinh và chương trình hành động cũng như là thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có công ước quốc tế CEDAW.
- Bà có suy nghĩ thế nào về sự thăng tiến của phụ nữ trong xã hội hiện nay?
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh: Trong xã hội hiện nay, như ở trên thế giới, chúng ta thấy rằng rất nhiều phụ nữ đã trở thành Thủ tướng, họ cũng có thể là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là những người mà chúng ta quan điểm rằng sẽ phải rất là mạnh mẽ, rất nỗ lực, rất quyết đoán. Điều đó khẳng định rằng, phụ nữ ở đâu cũng có thể làm được những điều như vậy.
Theo quan điểm của tôi, ở Việt Nam, với những đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước hiện nay, từ việc đưa ra các văn bản pháp luật quan trọng như luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình, những quy định trong bộ luật Hình sự, bộ luật Tố tụng Hình sự, bộ luật Dân sự, bộ luật Tố tụng Dân sự..., sẽ là những cơ sở nền tảng để người phụ nữ có thể thực hiện được đầy đủ nhất các quyền của mình và họ sẽ có cơ hội để thực hiện những hoài bão, tham vọng của mình nhiều hơn nữa.
- Bà có thể đưa ra lời khuyên dành cho những thanh thiếu niên, các phụ nữ trẻ đang muốn xây dựng sự nghiệp, có thể cởi bỏ nút thắt nhận thức, để có thể trực tiếp thụ hưởng những quyền mình đáng được có được?
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Hạnh: Việc thụ hưởng quyền con người đặt ra một yêu cầu đối với nhà nước và các chủ thể bảo đảm khác có vai trò trong việc thực hiện quyền con người.
Với tư cách là một chủ thể có quyền, chúng ta cần phải hiểu được quyền của mình và khi hiểu được quyền của mình rồi, chúng ta sẽ tìm kiếm được những người có thể trả lời được những câu hỏi cho chúng ta rằng vì sao chúng ta bị bạo lực? Vì sao chúng ta lại có thể giải quyết được bạo lực? Theo những cách thức như thế nào? Vì sao chúng ta sinh ra, chúng ta là con người, chúng ta có quyền được học tập nhưng tại sao mình lại chưa được thực hiện cái quyền đó một cách đầy đủ?
Khi đã tìm kiếm được những tri thức thông qua những đối tượng mình có thể tìm kiếm, để trả lời những câu hỏi đó, thì sẽ tạo ra cho mình sự tự tin, sự quyết tâm.
Tại sao một con người có thể có sự tự tin? Bởi vì 2 lý do. Một là, có thể họ được sống, được đào tạo trong một môi trường mà được tôn trọng, được coi trọng về phẩm giá và nhân phẩm của chính mình. Thứ 2 là luôn luôn được khuyến khích, luôn luôn được thúc đẩy thì họ sẽ có sự tự tin.
Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng luôn luôn may mắn như vậy, sẽ có những người sống trong những hoàn cảnh khác nhau, bởi vì chúng ta luôn luôn có sự khác biệt. Vì vậy, chúng ta khác biệt nhau về giới tính, về lứa tuổi, về hoàn cảnh gia đình, về chủng tộc, về màu da,… sự khác biệt đó có thể trở thành nguy cơ bị phân biệt đối xử.
Để chúng ta có được sự tự tin, chúng ta sẽ cần phải có sự hiểu biết, hiểu biết ở đây là hiểu biết về pháp luật, hiểu biết về văn hóa, hiểu biết về đời sống. Một mặt, nhà nước sẽ là chủ thể bảo đảm và cung cấp cho chúng ta những điều đó, nhưng mặt khác, chúng ta có thể tìm kiếm ở xung quanh mình, trong gia đình, trong bạn bè, trong những môi trường đang học tập, đang sinh hoạt.
Chúng ta sẽ có những câu trả lời tốt nhất cùng với những cái chúng ta đã được trao, để chúng ta sẽ trở thành một người được gọi là trao quyền để thực hiện quyền con người của mình.
Tôi xin nhấn mạnh ở khía cạnh thứ 2 là sự dũng cảm, dũng cảm vượt qua những sự khác biệt. Ví dụ, bạn có thể là một người phụ nữ khuyết tật, bạn có thể là người phụ nữ dân tộc thiểu số, bạn có thể sinh ra trong một gia đình rất nghèo,… Đó là tính dễ bị tổn thương của phụ nữ. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, nếu chúng ta có sự tự tin và chúng ta dũng cảm vượt qua chính mình, chắc chắn sẽ có cơ hội thụ hưởng đầy đủ hơn các quyền của mình, cũng như là trở thành một người mà các bạn mong muốn.
- Trân trọng cám ơn bà!