Bám sát sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, phát huy truyền thống, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nhiệm kỳ qua, Hội LHPN huyện Văn Chấn đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/10 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với Nghị quyết đề ra.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn có 24 cơ sở Hội và 01 đơn vị trực thuộc với 213 chi hội. Số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên là 29.889 người, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số: 20.623 người, phụ nữ tôn giáo: 1.205 người, phụ nữ khuyết tật hưởng bảo trợ xã hội 1.239 người. Lực lượng lao động nữ tham gia tất cả các lĩnh vực sản xuất của đời sống xã hội, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Thời gian qua, các tầng lớp phụ nữ trong huyện luôn tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Hiện nay, tỷ lệ nữ cán bộ quản lý các đơn vị sự nghiệp, trường học đạt 61,66%; nữ cán bộ, lãnh đạo quản lý cấp xã đạt 19,42%; nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện đạt 31,37%, có nhiều chị được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã.
Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã giới thiệu được 625 nữ quần chúng ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, trong đó đã có 364 chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; tỷ lệ đảng viên nữ đạt 32% so với tổng số Đảng viên toàn huyện.
Phụ nữ xã Sơn Lương tham gia vận chuyển vật liệu xây cầu Sơn Lương góp phần xây dựng nông thôn mới. |
Bên cạnh đó, các chị em tích cực học tập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy thế mạnh của địa phương, tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện như: trồng rừng FSC, trồng lúa, trồng chè chất lượng cao, trồng cây ăn quả có múi, trồng dâu, nuôi tằm, trồng quế, chăn nuôi baba, gia súc, gia cầm.
Phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng thượng hiệu đặc sản OCOP với quy mô ngày càng mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ cho thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm Tích cực tham gia các ngành sản xuất công nghiệp có thế mạnh của huyện như chế biến chè, chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất vật liệu xây dựng.... nhiều chị đã phấn đấu trở thành chủ của các cơ sở sản xuất, chế biến mang lại thu nhập cao cho bản thân và người lao động.
Ngoài ra, chị em còn giữ vai trò quan trọng trong khôi phục nghề thủ công truyền thống như: thêu, dệt thổ cẩm, tơ tằm; phát triển các nghề thủ công mới như: sản xuất mây, tre song đan, chế tác đá cảnh góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ.
Có thể khẳng định, trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, các tầng lớp phụ nữ toàn huyện đã có những nỗ lực vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 39,53% (năm 2015) xuống còn 10,42% (năm 2020), bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 5,76%/năm.
Đáng chú ý trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lực lượng lao động nữ chiếm trên 77,49%. Các chị đã không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới, sáng tạo, tích cực thi đua “dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc”; làm tốt công tác huy động trẻ ra lớp góp phần giữ vững chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục ở 100% xã, thị trấn và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trên địa bàn huyện, nhất là giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.
Tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, nhiều chị đã trở thành hạt nhân phát động và tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại địa phương. Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức được 2.068 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho 98.982 lượt hội viên phụ nữ tham gia.
Đặc biệt, khi đại dịch COVID 19 bùng phát, các cấp Hội phụ nữ huyện đã tổ chức được 259 cuộc tuyên truyền theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thông tin hàng trăm văn bản chỉ đạo, thông báo khẩn của cơ quan y tế để hội viên phụ nữ và nhân dân nắm bắt, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Với việc chủ động lựa chọn nội dung phù hợp, hình thức tuyên truyền được đổi mới, hàng năm có 100% cán bộ, trên 95% hội viên được tham gia học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiếp cận thông tin tuyên truyền của Hội (vượt chỉ tiêu đề ra 5%). Qua đó, chị em được nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật, đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người thân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần ổn định trật tự chính trị và an toàn xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Văn Chấn phối hợp dạy nghề theo đề án 1956 cho phụ nữ nông thôn về mây tre song đan. |
Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các tổ chức Quốc tế thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn huyện nhằm hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ với tổng nguồn vốn hỗ trợ khoảng 13,5 tỷ đồng, trọng tâm là Dự án cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc do Tổ chức Bánh mì cho thế giới tài trợ tại xã Nậm Lành;
Dự án hỗ trợ chăn nuôi Dê tại xã Phúc Sơn, Nậm Búng do tổ chức chức SPIR - VN triển khai; Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” tại xã Đồng Khê, Sơn Thịnh, Minh An, Bình Thuận do Tổ chức Hagar Quốc tế hỗ trợ;
Dự án hỗ trợ sinh kế và xây dựng hệ thống nước hợp vệ sinh do tổ chức PALD tài trợ tại xã Nghĩa Sơn; Dự án nuôi Lợn nái sinh sản, Dự án Cam “đẩy mạnh kiến thức địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu” do các tổ chức Quốc tế tài trợ trên địa bàn các xã Tú Lệ, Thượng Bằng La; Dự án hỗ trợ sinh kế, xây dựng hạ tầng thiết yếu do Ngân hàng thế giới WB tài trợ tại 8 xã đặc biệt khó khăn...
Với phương châm “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”. Phụ nữ Văn Chấn phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng huyện Văn Chấn phát triển nhanh, bền vững.