17 năm gắn bó đóng góp với ngành Tòa án
Ông Tùng dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, mỗi lần nhắc tới những chuyện đóng góp ý kiến, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đôi mắt lại ánh lên sự nhiệt huyết, đam mê với công việc.
Nói về cái duyên đưa mình đến với TANDTC, với ông Tùng, có lẽ do “nghề chọn người”. Ông Tùng chia sẻ, sau khi tốt nghiệp Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, ông công tác tại một văn phòng luật sư khoảng vài năm. Sau đó, ông chuyển sang làm trợ lý cho TGĐ một DN lớn. Cùng thời gian này, ông đi học cao học. Mãi đến 2005, ông mới vào công tác tại TANDTC.
17 năm gắn bó với TANDTC, ông Tùng được đánh giá đã có không ít đóng góp. Với trách nhiệm là Phó Vụ trưởng, thực hiện các nhiệm vụ do lãnh đạo TANDTC và Vụ trưởng phân công, ông đã chỉ đạo, điều hành, tham gia rất nhiều công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Vụ PC&QLKH. Ông Tùng trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng hơn 15 dự án Luật, Pháp lệnh như: Luật Tổ chức TAND 2014; BLHS 2015; Bộ luật TTHS 2015; Luật Truy nã Tội phạm; Luật Tạm giữ, tạm giam; Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND…
Trong năm 2022, Vụ PC&QLKH được giao làm 3 Pháp lệnh. Trong đó có Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; ông và các thành viên trong Tổ biên tập phải làm việc liên tục nhiều ngày. Thời gian eo hẹp, nhưng ý thức đây là vấn đề cấp bách xã hội đang cần, cũng là vấn đề ông và nhiều cộng sự tâm huyết, nên Tổ biên tập đã dồn hết tâm sức hoàn thành dự án đúng hạn.
Ông Tùng còn chỉ đạo, tham gia nghiên cứu, xây dựng hơn 20 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP), Thông tư liên tịch, như: Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo; Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ…
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng yêu cầu chỉnh sửa, trực tiếp giải quyết hàng trăm công văn trao đổi nghiệp vụ, công văn góp ý văn bản quy phạm pháp luật về Hình sự, Tố tụng Hình sự, Thi hành án hình sự, hành chính; Xây dựng, tham gia xây dựng nhiều dự thảo báo cáo của TANDTC trong công tác thi hành áp dụng pháp luật; Tham gia nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án phục vụ công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật như: Đề án đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; Đề án thực hiện cơ chế tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù; Đề án Giảm quy định hình phạt tử hình, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình; Đề án Nghiên cứu, đề xuất quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS…
Ông Tùng cũng tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học và các chuyên đề nghiên cứu phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn pháp luật của TANDTC và liên ngành Trung ương. Trong đó nhiều sáng kiến, giải pháp đã được tiếp thu và đưa vào nội dung các Luật, Pháp lệnh, văn bản hướng dẫn. Ông tham gia viết các chuyên đề nghiên cứu, tổng thuật và là Thư ký đề tài khoa học cấp Bộ: “Nâng cao vai trò Tòa án trong phòng ngừa tội phạm người chưa thành niên ở Việt Nam”; Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc hoàn thiện quy định pháp luật hình sự về tội mua bán người”; Xây dựng Sổ tay Thẩm phán hướng dẫn xét xử vụ án hình sự về các tội liên quan bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái…
Từ Tòa gia đình tới Tòa môi trường
Nói đến việc xây dựng Tòa gia đình và người chưa thành niên (GĐ&NCTN) tại Việt Nam, nhiều người biết đến ông Tùng là người có nhiều đóng góp tích cực.
Khi được cơ quan giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Tòa GĐ&NCTN, ông Tùng đã phối hợp chuyên gia quốc tế của UNICEF đi tìm hiểu thực tế tại hơn 10 tỉnh, thành để xây dựng Báo cáo tổng quan về cơ sở lý luận và thực tiễn của sự cần thiết thành lập Tòa GĐ&NCTN ở Việt Nam. Tham khảo về các mô hình tòa chuyên trách của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn Việt Nam, ông Tùng cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đề xuất thành lập Tòa GĐ&NCTN. Mô hình này được Quốc hội đồng ý, quy định ngay trong Luật Tổ chức TAND năm 2014.
Ngày 4/4/2016, TAND TP HCM tổ chức lễ ra mắt Tòa GĐ&NCTN tại TP HCM, mô hình tòa chuyên trách xử án hôn nhân gia đình và người chưa thành niên đầu tiên ở Việt Nam. Đây là dấu ấn quan trọng, một thành tựu của tiến trình cải cách tư pháp, bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng.
Không chỉ tham gia nghiên cứu, xây dựng nhiều dự án Luật, pháp lệnh, ông Tùng (bên trái) còn là “kỹ sư” thiết kế những Tòa chuyên trách vì trẻ em, môi trường. |
Việc thành lập Tòa GĐ&NCTN chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo đảm quyền trẻ em, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà Tòa GĐ&NCTN là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc Hiến định về việc xét xử kín với người chưa thành niên (khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013). Đến nay, Việt Nam đã thành lập được 38 Tòa GĐ&NCTN.
Hiện TANDTC đang nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa án môi trường, và ông Tùng cũng là người đang trực tiếp nghiên cứu, đề xuất thành lập tòa chuyên biệt này.
Những “viên gạch” đặt nền móng đầu tiên để nghiên cứu, đề xuất thành lập Tòa môi trường là những kỷ niệm ông Tùng kể lại “không bao giờ quên”. Đó là nỗi buồn của những người dự một hội nghị.
Tại hội nghị đó, ông Tùng “như bị cáo”, bị một số đại biểu “chất vấn” về việc thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền trong xử lý các vụ vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng. Thời điểm đó, nhiều vụ vi phạm pháp luật môi trường bị phát giác, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. “Qua điều tra mới thấy vấn đề về môi trường vẫn đang còn bỏ ngỏ”, ông Tùng kể lại.
Với những đóng góp tích cực, Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Tùng được tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Chiến sĩ thi đua TAND 2021; chiến sỹ thi đua cơ sở 3 năm liên tiếp từ 2019-2021, Bằng khen của Chánh án TANDTC… Vụ PC&QLKH từng đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Hơn cả, điều làm ông Tùng tâm đắc nhất là “được làm công việc mà mình yêu thích, được cống hiến hết khả năng và sự nhiệt huyết vì sự phát triển của ngành”.
Tại thời điểm nghiên cứu, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ riêng năm 2016, hơn 34 ngàn người Việt Nam đã chết sớm do ô nhiễm không khí, số người bị các chứng ung thư ngày càng gia tăng. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước (Bộ TN&MT), ghi nhận 37 “làng ung thư” trên cả nước. Tại Việt Nam, theo ghi nhận bệnh ung thư tại một số tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ… ước tính mỗi năm nước ta có 130.000 - 160.000 trường hợp mắc mới; khoảng 85.000 - 115.000 trường hợp tử vong do bệnh này.
“Tại hội nghị, có một người vừa nói vừa khóc, nói nhận được tin anh trai mất đêm qua vì bệnh ung thư. Tuy nhiên, ông ấy không về dự tang ngay mà cố nán lại để phát biểu về vấn đề môi trường. Vì môi trường mà khu vực đó, nhiều người chết vì ung thư. Tôi ấn tượng mãi nên mới đi sâu vào nghiên cứu vấn đề môi trường”, ông Tùng kể.
Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của cả thế giới. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó quan trọng bậc nhất là môi trường. Đạt được tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, nhưng những lợi ích này có thể phải trả giá bằng môi trường ô nhiễm, là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Tính đến tháng 4/2018, 44 quốc gia đã thành lập các Tòa chuyên trách môi trường. Một Tòa môi trường hiệu quả không chỉ đơn giản là cung cấp một diễn đàn để xét xử các vụ việc về môi trường, mà là nỗ lực hướng đến nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ô nhiễm.
Và theo chia sẻ của ông Tùng, đề xuất thành lập Tòa án chuyên biệt về Môi trường đã được đưa vào Đề án nhánh cải cách tư pháp tại TAND đến 2030, định hướng 2045, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền. Khi có Tòa án môi trường, các vấn đề liên quan môi trường sẽ do Tòa này giải quyết.
Một trong những người đầu tiên nghiên cứu đề xuất ban hành Án lệ
Ngày 6/4/2016, HĐTP TANDTC thông qua 6 Án lệ đầu tiên của Việt Nam: Án lệ 01/2016/AL về vụ án giết người; Án lệ 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản; Án lệ 03/2016/AL về vụ án ly hôn… Từ đó đến nay, Việt Nam có 52 Án lệ.
Một trong những người đầu tiên nghiên cứu đề tài về án lệ để trên cơ sở sự nghiên cứu này đề xuất nội dung tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Án lệ, chính là ông Tùng. Và theo chia sẻ của ông Tùng, số lượng Án lệ sẽ không dừng lại ở con số 52. Hiện TANDTC đang xây dựng thêm nhiều Án lệ và sẽ được ban hành trong thời gian tới.