Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Phát huy giá trị văn hóa trong Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò của văn hóa.
(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; bởi vậy, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa trong Đảng là một trong những phương thức và là nền tảng vững chắc để Đảng ta lãnh đạo hiệu quả nhiệm vụ ở từng thời kỳ cách mạng, lập nên những kỳ tích.

Không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng

Đảng ta đã xác định: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc.

Một trong các nhiệm vụ đó là chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng…”.

Vậy, phải “xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý” ra sao để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới? Nói đến văn hóa trong Đảng là nói đến những phẩm chất văn hóa của Đảng, được cụ thể trong phẩm chất của từng cán bộ, đảng viên. Do đó, xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý là xây dựng và phát huy những phẩm chất đạo đức, văn minh đối với từng đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như trong cách ứng xử với nhân dân… Đó còn là sự nêu gương của từng cán bộ, đảng viên với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên sẽ là một trong những “chất xúc tác” quan trọng thôi thúc nhân dân nghe theo và làm theo Đảng.

Đảng ta tồn tại hơn 90 năm nay cũng do chúng ta luôn quyết tâm giữ gìn và phát huy văn hóa trong Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, suốt hơn 90 năm qua, Đảng đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng bằng chính bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho đất nước; bằng sự nêu gương, hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết, thống nhất chặt chẽ, vững chắc; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX.

“Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, văn hóa trong Đảng là kết tinh của văn hóa dân tộc, là biểu tượng của văn hóa dân tộc, là mẫu mực của văn hóa dân tộc. Nó kết tinh ở lực lượng lãnh đạo của xã hội, vì thế tác động rất mạnh mẽ đến xã hội… Đảng có đạo đức thì người dân mới theo Đảng, có văn hóa mới lãnh đạo được dân tộc giành được độc lập. Còn hôm nay, phải tiếp tục xây dựng và nâng cao văn hóa trong Đảng.

Tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ

Để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác cán bộ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu “đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị”. Việc đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người cán bộ, đảng viên không đơn thuần trong ngôn từ, lời nói, cách thức giao tiếp, mà phải xuất phát từ nhận thức, thái độ, đạo đức, lối sống dân chủ, tôn trọng nhân dân; là thái độ trách nhiệm và tình thương yêu đối với đồng chí, đồng nghiệp, nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hơn 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước lập nên nhiều kỳ tích, đưa Việt Nam ngày càng phát triển, văn minh.

Hơn 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước lập nên nhiều kỳ tích, đưa Việt Nam ngày càng phát triển, văn minh.

Quan trọng hơn, phẩm chất, giá trị văn hóa của người đảng viên còn được thể hiện ở quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Đó là tinh thần “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”...

Đề cao và thực hiện tính tiên phong trong văn hóa ứng xử cũng là một nội dung quan trọng của việc xây dựng “văn hóa trong chính trị”. Đây cũng là yêu cầu được đặt ra từ Hội nghị Trung ương 9, khóa XII- coi xây dựng văn hóa trong Đảng như “nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Do vậy, các giá trị văn hóa phải ngày càng được bồi đắp, giữ gìn và phát huy trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước nói chung và trong từng hành động, thái độ ứng xử của cán bộ, đảng viên nói riêng.

Hơn 90 năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tích mà Đảng ta đã đạt được thì một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu.... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, trong đó nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.

Tình hình trên đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức, là văn minh”; phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay từ Nghị quyết Đại hội X, Đảng ta đã nhận định: “Suy thoái về tư tưởng đạo đức đe dọa tới sự tồn vong của Đảng. Nếu xây dựng được văn hóa trong Đảng thì chế độ vững vàng, Đảng tồn tại”.

Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Trung ương cũng nhấn mạnh, phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới. Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng diễn ra vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng… Đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình.

Chính vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm rất lớn, có sự đoàn kết, thống nhất rất cao, “phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nâng cao đạo đức cách mạng, từ đó tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Biết phát huy được những giá trị văn hóa trong Đảng sẽ làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.