Trong bối cảnh xã hội hiện đại đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và chuyển đổi số, hệ thống pháp luật cũng đang phải đối mặt với những thay đổi và thử thách chưa từng có. Cùng với sự bùng nổ của các nền tảng trực tuyến, giao dịch điện tử, và công nghệ thông tin, các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực dân sự cũng trở nên phức tạp và đòi hỏi sự thích ứng kịp thời từ hệ thống pháp luật.
TS Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó Trưởng khoa Luật Dân sự, trường ĐH Luật, ĐH Huế phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó trưởng Khoa luật Dân sự, trường ĐH Luật, ĐH Huế cho biết, hội thảo với sự tham gia của 16 bài viết khác nhau, trong đó 4 bài xuất sắc nhất được chọn để trình bày tham luận, các bài tham luận này tập trung phân tích về những thách thức mà pháp luật dân sự phải đối mặt trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân trong không gian mạng, từ bảo tồn phát triển văn hóa phi vật thể, công chứng điện tử, đến bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín trên không gian mạng.
“Hy vọng, qua các phiên thảo luận, chúng ta sẽ có những góc nhìn sâu sắc và những đề xuất hữu ích, đóng góp vào việc xây dựng một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng và hiệu quả trong thời đại số”- TS Nguyễn Thị Thúy Hằng nhấn mạnh.
Sinh viên trường ĐH Luật, ĐH Huế tham gia thảo luận tại hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia, giảng viên, sinh viên đã cùng nhau trao đổi, tranh luận quanh các chủ đề rất được quan tâm như: Bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể tại tỉnh Thừa Thiên Huế dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ; Hoạt động công chứng điện tử tại Việt Nam trong thời đại kỹ thuật số; Pháp luật Việt Nam về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trên không gian mạng; Phiên toà xét xử bằng phương thức trực tuyến trong giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự.
Với chủ đề Hoạt động công chứng điện tử (CCĐT) tại Việt Nam trong thời đại kỹ thuật số, nhóm tác giả Lê Ngọc Huyền, Phạm Thị Xuân Trúc, Huỳnh Đức Huy (sinh viên Trường ĐH Luật, ĐH Huế) cho rằng hiện nay, hoạt động CCĐT tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, góp phần hiện đại hóa hệ thống hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. CCĐT không chỉ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp mà còn tăng cường tính minh bạch, chính xác trong các giao dịch pháp lý. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ công.
Tuy nhiên, việc triển khai CCĐT cũng gặp phải nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là khung pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến sự thiếu rõ ràng trong quy định và thực thi. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin cần được nâng cấp để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin cho người sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng một hệ thống CCĐT đồng bộ và hiệu quả.
Hội thảo với sự tham gia của 16 bài viết khác nhau, trong đó 4 bài xuất sắc nhất được chọn để trình bày tham luận |
Để thúc đẩy hoạt động CCĐT trong thời gian tới, cần có một số giải pháp cụ thể. Đầu tiên, việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và chi tiết là rất cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan. Thứ hai, cần phát triển cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất, dễ dàng truy cập và bảo mật thông tin. Thứ ba, việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ thông tin và pháp lý sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng điện tử… Điều này sẽ góp phần cải thiện quy trình công chứng, tạo ra một hệ thống công chứng hiện đại, hiệu quả và an toàn hơn.
Trong khi đó, với chủ đề “Pháp luật Việt Nam về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trên không gian mạng”, nhóm tác giả Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (sinh viên Luật Kinh tế, trường ĐH Luật, ĐH Huế) cho rằng, hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân vẫn luôn là vấn nạn xảy ra phổ biến trong xã hội hiện nay, không chỉ trong đời sống thực tế mà còn diễn ra trên nền tảng số ngày càng nhiều và phức tạp hơn, đây được xem là vấn đề “nhức nhối” cần được giải quyết.
Pháp luật Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hành vi của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên không gian mạng, tạo nên cơ sở pháp lý cho việc xác định các loại phương thức, biện pháp bảo vệ khi có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân nói chung và trên không gian mạng nói riêng đã phần nào đảm bảo môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn trước.
Các chuyên gia pháp lý, giảng viên, sinh viên chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo |
Dựa trên cơ sở thực tiễn và lý luận, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị, trong đó có kiến nghị cần sớm thông qua Nghị định dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Bởi các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân trên không gian mạng chưa được xác định cụ thể; nhiều hành vi được quy định rải rác trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác nhau, một số căn cứ pháp lý chưa có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết nên chưa có cách hiểu thống nhất, dẫn đến vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn đã đề cập.
Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng 2018 mới nêu những nguyên tắc chung để đảm bảo an ninh quốc gia và chống các thế lực thù địch, chưa có những quy định cụ thể và chặt chẽ về việc đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của con người trên không gian mạng. Vì vậy, cần có những văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa các quy tắc của Luật An ninh mạng 2018 về “các nội dung làm nhục, vu khống” để ngăn chặn những hành vi xúc phạm nghiêm trọng và đưa ra thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đào tạo, sắp xếp đội ngũ cán bộ chuyên môn trong vấn đề bảo vệ danh dự, nhân phẩm trên không gian mạng. Đồng thời, thực hiện các chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân trên không gian mạng cho đối tượng thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều vấn đề pháp lý thời sự cũng như đưa ra nhiều khuyến nghị, đóng góp thiết thực cho việc hoàn thiện pháp luật dân sự trong thời đại kỹ thuật số.