Từ những ngày đầu bước chân vào làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Cà Mau, ông Bính cho hay đã luôn tâm niệm phải làm sao để có thể bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế; đồng thời lấy niềm vui sau mỗi lần bảo vệ thành công quyền lợi của người được TGPL làm động lực phấn đấu để tận tâm, tận lực và sẵn sàng cống hiến.
Ông Bính nhớ lại, những ngày đầu mới bắt đầu làm công việc TGPL, tham gia TGPL tại cơ sở, nhận thấy nhận thức của một số người dân về TGPL còn nhiều hạn chế, có người không biết TGPL là gì. “Ban đầu tôi còn cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn trong việc giúp đỡ người dân tiếp cận quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thế nhưng, giờ đây thực hiện TGPL là công việc hàng ngày, là sự đam mê, tận tâm và dốc lòng, dốc sức của bản thân để đạt hiệu quả công việc. Mỗi vụ việc TGPL là mỗi lần “chiến đấu” để đòi lại quyền lợi cho người được TGPL, qua đó khẳng định vai trò của TGPL trong đời sống xã hội”.
Ông Bính được đánh giá là một trợ giúp viên pháp lý với nhiều năm kinh nghiệm, vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ, tận tâm với công việc và tinh thần trách nhiệm cao. Ông chia sẻ, công việc TGPL chưa bao giờ là dễ dàng, mà có thể là cả một quá trình đi tìm lại công lý, vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ thành công quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, để đấu tranh bảo vệ lẽ công bằng cho những người bị oan sai.
Ông Ngô Đức Bính, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau. |
Gần 15 năm với nghề TGPL, ông Bính đã có nhiều hoạt động nổi bật, nhiệt huyết. Từ 1/1/2018 – 31/12/2020, đã thực hiện được 60 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó có 41 vụ việc thành công hiệu quả. Nhiều vụ việc điển hình được chuyển tội danh, khung hình phạt theo hướng có lợi cho người được TGPL so với đề nghị của VKS trong vụ việc hình sự. Như vụ bào chữa cho bị cáo bị xét xử tội chống người thi hành công vụ (bị cáo bị VKS truy tố từ 3 - 5 năm tù), nhưng HĐXX đã tuyên xử bị cáo 12 tháng tù giam theo đề nghị của trợ giúp viên pháp lý. Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bào chữa chuyển tội danh, khung hình phạt thành công khác so với đề nghị của VKS.
Theo ông Bính, để giúp người được TGPL, cần hiểu được quy định của pháp luật, đòi hỏi trợ giúp viên pháp lý bên cạnh trách nhiệm nghề nghiệp còn cần sự tâm huyết, tận tâm. Với ông, niềm vui và vinh dự là góp công sức nhỏ bé của mình vào việc “xóa nghèo” pháp luật; giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Đó cũng là động lực để những trợ giúp viên pháp lý nâng cao tính chủ động trong nghiên cứu, tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng nâng cao chất lượng TGPL, trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Trong suốt quãng thời gian công tác và làm việc tại Trung tâm TGPL Nhà nước Cà Mau, ông Bính đã thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý và triển khai thực hiện TGPL cho người được TGPL trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; thực hiện TGPL được 1.248 vụ việc; tham gia các đợt TGPL lưu động 196 cuộc, thực hiện tư vấn pháp luật được 1.176 vụ việc. Nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo Trung tâm, Sở Tư pháp và đồng nghiệp, tháng 3/2015, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước Cà Mau cho đến nay.
Với các trợ giúp viên pháp lý, niềm vui và vinh dự là góp công sức nhỏ bé của mình vào việc “xóa nghèo” pháp luật; giúp những người yếu thế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. (Hình minh họa) |
Ông Bính còn có nhiều sáng kiến đóng góp cấp cơ sở đã được công nhận, trong đó có sáng kiến xây dựng “Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.
“Cuộc sống của một số người dân ở mũi đất Cà Mau còn nhiều khó khăn, vì thế mà còn có những gia đình chính sách; một số người già, trẻ em không nơi nương tựa, người nghèo ít am hiểu về pháp luật, không có điều kiện được tiếp cận với dịch vụ pháp lý. Đây chính là động lực để bản thân tôi luôn phấn đấu, rèn luyện bản thân, góp chút công sức của mình vào sự nghiệp TGPL”, ông Bính nói.
Không thể nhớ chính xác hết tất cả những người đã được mình TGPL, tuy nhiên trong quá trình thực hiện TGPL có những vụ việc, những người được TGPL để lại cho ông Bính những ấn tượng sâu sắc.
Trong đó, có thể kể tới vụ kiện phức tạp, kéo dài về việc tranh chấp hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện U Minh đã quyết định không chấp nhận khởi kiện của hai nguyên đơn (SN 1930 và 1938) về việc yêu cầu huỷ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với bị đơn. Nhưng tại phiên phúc thẩm, ông Bính đã đề nghị thành công HĐXX chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. “Với sự hỗ trợ và tư vấn pháp lý của ông Bính, nhiều đương sự đã tìm lại được công lý cho chính mình và cho gia đình của mình”, một đồng nghiệp cho biết.
Ông Ngô Đức Bính đã nhận được các hình thức khen thưởng của Lãnh đạo Sở, Lãnh đạo tỉnh và của ngành Tư pháp: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2018, Bằng khen Tỉnh ủy năm 2019, 05 Bằng khen UBND tỉnh (năm 2010, 2015, 2016, 2021 và 2022); Bằng khen Liên đoàn Lao động tỉnh (02 năm 2018 và 2020).